Chiều 30/7, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ lịch sử. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng ban chỉ đạo đã nghe các đơn vị báo cáo kế hoạch ứng phó với đợt mưa lan rộng toàn miền Bắc sắp tới.
Ông Nguyễn Đức Long, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất cho biết, hiện còn gần 1.000 hộ dân bị ngập trong nước lũ. Xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) vẫn trong tình trạng bị cô lập. Đến sáng nay, tỉnh đã sơ tán 229 hộ dân khỏi khu vực có bãi xỉ thải than Mông Dương phòng sạt lở.
"17 người chết chủ yếu do sạt đất ở những vị trí gần đồi, núi. Trước mắt, chính quyền cương quyết di dời người dân khỏi nơi dễ bị sạt lở. Về lâu dài, tỉnh sẽ tìm cách di dời hẳn nhân dân khỏi những khu vực này", ông Long cho biết
"Sau đợt mưa lũ, tỉnh sẽ rà soát hệ thống thoát nước, quy hoạch lại một số khu dân cư. Hiện tại, Quảng Ninh đã sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ mới", ông Long nói. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm, trong hai ngày nay, Quảng Ninh đã nhận được khoảng 28 tỷ đồng ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau. Ông cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp Lạng Sơn cho biết, mưa từ ngày 27/7 đến nay khiến nước sông Kỳ Cùng dâng cao trên mức báo động 1 hơn một m, nhiều khối đất đá lớn bắt đầu rơi xuống Quốc lộ 279 gây khó khăn cho giao thông. Một người đã thiệt mạng.
"Tỉnh đã ra công điện yêu cầu các địa phương bố trí người trực 24/24, không lơ là mất cảnh giác vì bài học lũ ở Quảng Ninh và đợt lũ năm 2014 vẫn còn trước mắt", bà Nhàn nói.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa trên diện rộng sắp tới, đại tá Vũ Thế Chiến, Phó cục trưởng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết: "31.000 cán bộ chiến sĩ các đơn vị quân đội và gần 860 phương tiện sẵn sàng ứng trực trên các tỉnh Tây Bắc, miền núi phía Bắc. Địa phương cần chủ động hiệp đồng với các quân khu để được trợ giúp".
Chia sẻ với thiệt hại của địa phương, trưởng ban chỉ đạo Cao Đức Phát lưu ý các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cảnh giác lũ quét, sạt lở đất khi mưa to. Ông đề nghị Quảng Ninh và các địa phương có mưa lớn tiếp tục khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, tìm người mất tích trên biển, điều tàu ra đưa du khách ở Cô Tô về đất liền.
Các tỉnh phía Bắc cần tìm mọi cách để thông tin đến được với từng người dân qua thông báo, đài truyền thanh. Tỉnh cần chỉ đạo tới từng thôn, xã kiểm tra những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, gia cố những đoạn đê xung yếu...
"Chính quyền các địa phương, lực lượng cứu hộ, nhân dân cần hết sức cảnh giác trong đợt mưa lũ lần này", bộ trưởng nhắc nhở.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ đêm mai, mưa lớn sẽ bao phủ toàn miền Bắc và kéo xuống Bắc Trung Bộ, trọng tâm mưa là vùng núi phía Bắc. "Mưa kéo dài đến hết ngày 4/8 sẽ chấm dứt khi có một cơn bão hình thành ở Thái Bình Dương, phá vỡ cấu trúc của hình thái gây mưa toàn miền Bắc trong những ngày qua. Tuy nhiên, cơn bão này chưa có dấu hiệu vào biển Đông", ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết. Trung tâm tiếp tục đưa ra các cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hoàng Phương