Sáng 7/4, tại khu vực lồng bè nuôi thủy sản của người dân trên sông Thái Bình, xã Tiền Tiến, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, cá chết nổi trắng mặt nước.
"Cá chép, trắm, diêu hồng 2-6 kg chết ồ ạt, có lồng chết không còn con nào", chủ một cơ sở nuôi nói. Tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và ô nhiễm môi trường.

Cá nuôi trong lồng bè trên sông ở TP Hải Dương chết nổi đầy mặt nước. Ảnh: Xuân Hoa
Bà Phạm Thị Đào, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu để tìm hiểu nguyên nhân. "Kiểm tra vị trí có nhiều cá chết thì thấy oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao", bà Đào nói.
Theo cơ quan chức năng, khi thời tiết giao mùa, dòng chảy thiếu hụt dẫn đến thiếu oxy có thể khiến cá chết. Tuy nhiên, nhiều người dân nghi ngờ nguồn nước sông Thái Bình đang bị ô nhiễm.
Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đề nghị người nuôi giảm hoặc dừng cho cá ăn, tăng cường sục khí, vớt hết cá chết mang đi chôn lấp, tránh ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Nếu phải cho cá ăn, người dân nên chọn sáng sớm và chiều mát, kèm bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu.

Cá chết được thu gom đem đi chôn lấp. Ảnh: Xuân Hoa
Hộ nuôi cần theo dõi dự báo thời tiết và quan sát chất lượng nước để có biện pháp ứng phó. Khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước thì cần xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.
Khi mực nước trên sông giảm, hộ nuôi nên hạ thấp lồng để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5-3 m, nhằm giảm tác động của nhiệt độ cao, đồng thời sát khuẩn để phòng bệnh và thường xuyên vệ sinh lồng bè.
Để hỗ trợ người nuôi cá giảm bớt thiệt hại, nhiều tiểu thương và người dân đã tổ chức thu gom, thu mua cá chưa chết.
Hải Dương hiện có gần 7.400 lồng cá trên sông, tập trung ở TP Hải Dương, TP Chí Linh và các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà.
Lê Tân