7 năm sau thành công vang dội của bộ phim 300, hãng Warner Bros tiếp tục khắc họa bản hùng ca Hy Lạp bằng hai trận thủy chiến lịch sử Artemisium và Salamis với phong cách hình ảnh hùng tráng và đẫm máu trong phần tiếp theo có tên 300: Rise of an Empire. Tràn ngập những cảnh quay đẹp mắt và ấn tượng, những trận đánh mãn nhãn và máu lửa, nhưng phần hai của kỳ quan điện ảnh 300 này lại để lại cho khán giả sự dở dang, thiếu trọn vẹn về cảm xúc.
Trailer phim "300: Rise of an Empire" |
|
Tâm điểm của 300: Rise of an Empire là cuộc đối đầu giữa vị tướng lừng danh Themistokles với đội quân hung tàn của đế chế Ba Tư do “vương thần” Xerxes (Rodrigo Santoro đóng) thống trị, và “nữ thần chiến tranh” Artemisia (Eva Green đóng) chỉ huy. Nội dung của phần phim này liên kết những sự kiện diễn ra trong phần một, nhưng nói về một trận chiến hoàn toàn khác.
Sau khi đánh bại đạo quân 300 người của vua Leonidas (Gerard Butler đóng), đạo quân Ba Tư của vua Xerxes tiếp tục tràn tới các thành phố chính của Hy Lạp. Tuy nhiên, họ vấp phải sự chống trả quyết liệt từ người dân thành Athens dưới sự chỉ đạo của mãnh tướng Themistocles (Sullivan Stapleton đóng). Hai trận thủy chiến có thật trong lịch sử Artemisium và Salamis đã nổ ra, với sự chiến đấu đầy máu lửa, hăng hái mà cũng lắm mưu mẹo của cả hai bên.
So với phần trước, tuyến nhân vật trong 300: Rise of an Empire đa dạng và phong phú hơn, với trung tâm là Themistokles - vị tướng kiệt xuất của lịch sử Hy Lạp cổ đại và Nữ thần chiến tranh Artemisia. Themistokles cho khán giả thấy được bản lĩnh của một vị tướng kiệt xuất, khi ông đoàn kết và lãnh đạo các thành bang Hy Lạp đồng lòng quyết tâm chống trả đội quân xâm lược Ba Tư. Nếu như ở phần một, các trận đánh chỉ mang tính chất đơn giản với những pha tấn công đối đầu trực diện thì ở phần hai này, cuộc hải chiến tạo kích thích trí não hơn rất nhiều với các chiến thuật được sử dụng linh hoạt và uyển chuyển. Với tài năng cầm quân của Themistokles, Hy Lạp trở thành một đối thủ khó bị đánh bại trên chiến trường.
Phía bên kia chiến tuyến, một nhân vật mới được xây dựng là nữ thần chiến tranh Artemisia, kẻ thao túng vương thần Xerxes. Lạnh lùng, khát máu, không bao giờ chấp nhận thất bại nhưng rất quyến rũ, Artemisia chính là người tạo ra điểm nhấn thực sự của bộ phim với khả năng thể hiện vai diễn thuần thục của “bông hồng Pháp” Eva Green. Không chỉ có những pha hành động dũng mãnh, nhân vật Artermisia còn có nội tâm sâu sắc, với những trường đoạn diễn biến tâm lý đầy mâu thuẫn, phức tạp. Chính nhân vật Artemisia này đã làm nổi bật điểm yếu của 300: Rise of an Empire - đó là việc các nhà làm phim xây dựng nhân vật phản diện tốt hơn cả nhân vật chính.
Trong các tác phẩm, các nhà làm phim luôn phải xây dựng hai đại diện Thiện - Ác một cách hoàn chỉnh để khán giả thấu hiểu lý do con người ấy trở nên tốt hay xấu, họ chiến đấu vì lẽ gì. Trong bộ phim này, họ xây dựng thật tốt nhân vật Artemisia. Dù là người Hy Lạp, khi cô và gia đình bị hãm hại vô cớ bởi chính những người đồng hương của mình, Artemisia đã căm hận Hy Lạp và ám ảnh phải trả thù. Trong khi đó, các nhân vật chính - Themistokles và quân Hy Lạp - lại được khắc hoạ mờ nhạt với mục đích không rõ ràng, không có động lực để chiến đấu.
Các nhà làm phim mặc định rằng khi đưa phe bị xâm lược làm vai chính, thì họ đương nhiên là nhân vật tội nghiệp và khán giả “phải” ủng hộ họ. Do đó, các nhà làm phim không tạo ra bất cứ cảnh phim nào khắc họa tình yêu quê hương trong họ, lý giải về tinh thần chiến đấu của họ, ngoài việc kêu gào “thà chết ngẩng cao đầu, còn hơn sống cúi đầu” và làm nhục gia đình vô tội của Artemisia. Do đó, khán giả cảm thấy mục đích chiến đấu của phe Ác còn được rõ ràng và dễ thấu hiểu hơn, từ đó mong Artemisia chiến thắng hơn là phe Hy Lạp. Bộ phim từ đó mà gẫy khúc và chìm sâu xuống biển lửa ngoài khơi Hy Lạp.
Thực ra mối tình trớ trêu nhưng không kém phần nóng bỏng giữa Themistokles và Artemisia - hai kẻ thù thuộc hai chiến tuyến, cũng là điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn khác biệt cho bộ phim. Con người Artemisia dù mạnh mẽ, hung tàn và tham vọng, vẫn đầy rẫy sự cô đơn và trống trải. Cảm giác đó không chỉ nằm ở sự lẻ loi, lạc lõng khi xung quanh không có ai thực sự khiến cô nể phục, mà nó còn xuất phát từ việc thiếu thốn tình cảm của gia đình từ khi còn bé. Khi gặp một Themistokles tài ba và cường tráng, bản năng yếu mềm cần chở che của một người phụ nữ trỗi dậy trong Artemisia, khiến cô mong muốn chiếm đoạt anh. Tuy vậy, việc triển khai các lớp ý này trở nên vô duyên với cảnh làm tình bất ngờ của hai người trên thuyền chiến của phe Ba Tư.
Cảnh phim chấm dứt ảo tưởng lãng mạn của Artemisia dù khá quan trọng lại được thực hiện thiếu tính thuyết phục và khiến nhiều người khó hiểu. Việc bộ phim đột ngột kết thúc ở cao trào làm nhiều khán giả hụt hẫng vì cách xử lý kịch bản chưa tốt. Đoạn kết trở nên dở dang và là một sự khơi mào cho phần ba tiếp theo, chưa biết bao giờ sẽ ra mắt.
Bất chấp phần nội dung chưa được xử lý tốt, yếu tố kỹ xảo điện ảnh với thiết kế đồ họa mãn nhãn chính là điểm hấp dẫn đặc biệt với khán giả khi theo dõi 300: Rise of an Empire. Kế thừa phong cách làm phim từ phần một theo phong cách Zack Snyder, phần hai tràn ngập cảnh quay hùng tráng, những dũng sĩ cơ bắp 6 múi vạm vỡ với những trường đoạn chiến đấu quay chậm (slow motion). Chất thần thoại của bộ phim tiếp tục được thể hiện qua lời kể chuyện như những lời thì thầm, bí ẩn và ấn tượng, dù đôi lúc làm xao lãng mạch phim.
Với công nghệ IMAX/3D hiện đại, bộ phim biến các phân cảnh hành động trở nên chân thực, sống động hơn, đưa khán giả vào một thế giới sử thi đầy oanh liệt. 300: Rise of an Empire đã khởi chiếu tại Việt Nam từ hôm 21/3.
Ông Hồng