Sách Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien, 1615-1919 xuất bản tại Pháp năm 2022, chỉnh sửa, bổ sung từ luận án tiến sĩ của Phạm Thị Kiều Ly ở Đại học Sorbonne Nouvelle, Pháp, hồi 2018. Bản tiếng Việt ra mắt trong nước vào tháng 6, tên là Lịch sử chữ Quốc ngữ, đề cập về 300 năm hình thành, phát triển của văn tự này.
Tác giả cho biết mất nhiều thời gian trau dồi kiến thức, học ngôn ngữ bản xứ để có thể tiếp cận, sưu tầm và phân tích các cổ văn viết bằng chữ Latin, văn tự Bồ Đào Nha, Italy nằm rải rác ở văn khố Roma (Italy), Paris (Pháp), Lisbon (Bồ Đào Nha), Ávila và Madrid (Tây Ban Nha).
Trước khi nghiên cứu, Kiều Ly tự đặt bản thân vào vị trí độc giả và người Việt nói chung, tìm tòi loạt vấn đề liên quan lịch sử chữ viết. Tác giả cũng khái quát tính logic chính tả của chữ quốc ngữ và biến chuyển lớn lao trong đời sống xã hội, văn hóa, giáo dục.
Sách có dấu mốc khởi đầu vào năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ Dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào 1919 - năm cuối khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế. Qua sáu chương, tác giả đề cập loạt ngôn ngữ trên thế giới, phiên âm tiếng Đàng Trong - Đàng Ngoài bằng chữ Latin, hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (từ điển) của de Rhodes, lối chuẩn hóa chính tả hay chữ quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858) và thời thuộc địa.
Khi đến Đại Việt để truyền giáo, các giáo sĩ Dòng Tên, khởi đầu là Francisco de Pina (1585-1625), đã dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt, nỗ lực Latin hóa chữ Nôm. Mục đích ban đầu của họ là nhanh chóng học tiếng Việt, rồi dạy văn tự này cho cộng tác người bản địa, qua đó đôi bên dễ dàng viết thư, liên lạc, trao đổi trong bối cảnh truyền giáo khó khăn, giáo sĩ không có mặt.
Về sau, Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) biên soạn Từ điển Việt-Bồ-La và sách Phép giảng tám ngày (1651), giúp các giáo sĩ thừa sai học và giảng đạo bằng tiếng Việt. Với hai tác phẩm trên, cộng tác người Việt cũng dần làm quen mẫu tự Latin, đồng thời tiếp cận ngôn ngữ Âu châu.
Theo tác giả Kiều Ly, văn tự ghi âm tiếng Việt trở thành chữ viết phổ thông của các thừa sai Tây phương khi giao tiếp người bản xứ. Cuối thế kỷ 18, đầu 19, dàn giáo sĩ Hội Thừa sai Paris (Missions Étrangères de Paris) cùng cộng sự Việt đã bổ túc, hoàn thiện loại chữ này.
Ban đầu, danh từ "Quốc ngữ" hay "Quốc âm" chỉ tiếng nói người Việt bản xứ, như cách dùng trong sách giáo lý năm 1774 của giáo sĩ Bỉ Nhu Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine, 1741-1799). Ở cuốn Thiên Chúa thánh giáo yếu lý quốc ngữ - viết bằng chữ Nôm lẫn "An Nam La-tinh hóa", các thừa sai thường hoán chuyển hai văn tự này với nhau. Đến thời Petrus Trương Vĩnh Ký, ông gọi là "chữ Quốc ngữ" nhằm phân biệt chữ Hán, chữ Pháp.
Theo sách, dù hình thành từ thế kỷ 17, người Việt ít dùng văn tự này, cho đến giữa thế kỷ 19. Khi xâm lược Nam kỳ, người Pháp cũng không ưa loại chữ được sáng tạo bởi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha - Italy vì cho rằng nó không có ích trong mục tiêu lan tỏa tiếng Pháp. Tuy nhiên, họ buộc phải sử dụng như công cụ tạm thời để giao tiếp Pháp - Việt.
Nhiều người Việt tiến bộ thời ấy thấy rõ ưu điểm của hệ thống chữ viết theo mẫu tự Latin, điển hình là xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí. Triều đình nhà Nguyễn - từ vua Thành Thái đến Khải Định - cũng dần thay thế chữ Nôm, từng bước nâng cao vị thế chữ quốc ngữ.
"Trong văn bản hành chính trước 1945, ta thấy có chữ Pháp, Hán và quốc ngữ. Thứ chữ lạ lùng này, vốn phát sinh từ nhu cầu học tiếng Việt của các nhà truyền giáo, trải qua hơn ba thế kỷ thăng trầm - từ lúc các thừa sai Dòng Tên có mặt tại Hội An đến khi vua Khải Định chấm dứt khoa cử Hán học cuối cùng - được chấp nhận là chữ viết của nước Việt Nam hiện đại", tác giả Kiều Ly viết.
Ở lời tựa, tác giả tự nhận bà mắc một số lỗi sai ở bản tiếng Pháp và đính chính hai thông tin. Cụ thể ở trang 262-263, bà viết "Hai linh mục người Việt đầu tiên được Lambert de la Motte truyền chức tại Ayutthaya ngày 15/6/1668 là Bentô Văn Hiền và Giuong Văn Hòe". Thực tế, đây là hai linh mục Đàng Ngoài đầu tiên được truyền chức. Còn linh mục người Việt đầu tiên được truyền chức là Giuse Trang, người Đàng Trong, vào 31/3/1668.
"Ở trang 272, tôi viết "Vua (Bồ Đào Nha) không thể hoặc không muốn tiếp nhận họ". Thực tế, thầy trò Filippe Bỉnh đã vào gặp vua Bồ để xin tái lập Dòng Tên, nhưng nhà vua không giúp họ được", tác giả lý giải.
Bìa Lịch sử chữ Quốc ngữ tôn vinh cá nhân góp phần định hình, phát triển chữ Quốc ngữ giai đoạn 1615-1919. Hàng trên có Cristoforo Borri, Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, António de Fontes, Gaspar do Amaral, António Barbosa - các thừa sai Dòng Tên gồm. Hàng dưới gồm François Deydier, Pierre Pigneaux de Béhaine, Philipphê Bỉnh, Jean-Louis Taberd, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.
Dịp này, tác giả cũng ra mắt cuốn 100 câu hỏi về lịch sử chữ Quốc ngữ. Dạng hỏi - đáp giúp độc giả bổ sung kiến thức và có cách tiếp cận khác, tìm lời giải cho loạt thắc mắc bấy lâu.
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly chuyên nghiên cứu lịch sử chữ viết, ngôn ngữ các dân tộc Việt và ngữ học. Hiện bà giảng dạy Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà là đồng tác giả cuốn Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (cùng Tạ Huy Long), Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919) và đồng chủ biên sách Language Learning and Teaching in Missionary and Colonial Contexts.
Vỹ Cầm