Chia sẻ tại diễn đàn kết nối nông sản sáng 6/1, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cho biết, ngày 5/1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều thông báo dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu.
Hiện, nhiều trái cây chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào vụ. Đặc biệt, thống kê ước tính của các tỉnh cho thấy, có đến 300.000 tấn thanh long đang vào vụ nhưng chưa có đầu ra cụ thể.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, cũng cho biết trong quý I này, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Các thương lái đang thu mua chậm, một số nơi thậm chí ngừng thu mua. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng một kg.
Thừa nhận thanh long có nguy cơ ế ẩm, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cần có kế hoạch phân bổ tiêu thụ trong nước và hỗ trợ kết nối đi nhiều thị trường khác thông qua hỗ trợ của các tham tán tại nước ngoài.
"Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,4 triệu tấn thanh long. Trong đó, đầu năm và cuối năm tập trung khoảng 60% sản lượng thanh long. Do đó, cần một diễn đàn riêng, để tìm đường hướng giải quyết căn cơ cho thanh long Việt Nam", ông Tùng nói.
Thanh long Việt được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% cả nước.
Ngoài thanh long, các loại cây ăn quả khác đều cần thị trường và kết nối tiêu thụ như chuối ở Đồng Nai, Sóc Trăng; xoài tại Đồng Tháp, Trà Vinh; hay mít của Vĩnh Long...
Trước tình huống cấp bách trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các hệ thống siêu thị trên cả nước hỗ trợ đầu vào tiêu thụ thanh long. Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, Long An cần tổ chức kết nối với các hệ thống thu mua ngay tại địa phương để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở cũng cần kiểm soát hoạt động thu mua của thương lái Trung Quốc tại Việt Nam để tránh tình trạng "bỏ kèo" khi lâm vào tình cảnh khó khăn.
Với thị trường nước ngoài, ông đề nghị các tham tán làm việc với các thương vụ tại nước ngoài để kết nối thu mua thanh long cũng như những nông sản khác của Việt Nam.
"22-24/1, Bộ sẽ mở diễn đàn kết nối các tham tán tại thị trường châu Âu để kết nối tiêu thụ nông sản, tìm đầu ra cho nông sản Việt", ông Nam nói
Từ 1/1, Các quy định để đảm bảo an toàn cao với các sản phẩm của Trung Quốc có hiệu lực. Do đó, Việt Nam phải thích ứng và đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững.
Về lâu dài, để nông sản Việt giảm bớt khó khăn và thông suốt trong xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Việt Nam), đề nghị các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần thẩm tra và đẩy mạnh cấp mã vùng trồng đáp ứng các yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...).
Ông cũng đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biển.
Thi Hà