Tôi xuất thân trong một gia đình lao động ở miền Trung, vào TP HCM học đại học từ năm 2004. Năm nay tôi 29 tuổi, đã có một sự nghiệp tương đối ổn định, có một ngôi nhà 3 tỷ ở quận 3, và làm quản lý cấp trung cho một công ty đa quốc gia với mức lương 50 triệu/tháng (chưa tính lương tháng 13 và tiền thưởng).
Dù không phải là quá lớn lao, nhưng tôi nghĩ là vừa đủ trong thời điểm hiện tại cho một người độc thân từ hai bàn tay trắng đi lên như tôi. Nhân một ngày nghỉ ở nhà, tôi xin mạn phép chia sẻ với các bạn câu chuyện và 4 triết lý sống của mình. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ quý độc giả.
Thứ nhất: Lương thấp vẫn làm việc hăng say, vận may sẽ đến
“Sự tích lũy về lượng sẽ dẫn đến biến đổi về chất”, “cứ làm việc hăng say, tới một lúc nào đó, tiền sẽ tự nhiên tìm đến”.
Tôi ra trường với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng, đủ để chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, tôi không còn nghĩ nhiều đến tiền nữa, mà chỉ quan tâm tập trung vào công việc.
Tôi nỗ lực nghiên cứu, đổi mới, tìm cách tiết kiệm chi phí cho công ty, hăng say làm việc và phấn đấu không ngừng. May mắn là những thành quả của tôi được công ty ghi nhận, vì thế, sự nghiệp cũng thăng tiến theo thời gian, dĩ nhiên lương cũng tăng theo.
Nửa năm sau khi ra trường, lương của tôi được nâng lên 5 triệu, sau đó là 8, 11, 16... và 35 triệu. Một năm trước, sau 6 năm cống hiến, tôi quyết định chuyển qua công ty mới để mở rộng cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức, mức lương của tôi ở công ty mới là 50 triệu.
Tôi muốn khuyên các bạn hãy cứ làm việc hăng say, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, đừng đứng núi này trông núi nọ, đừng đắn đo, lăn tăn nếu lương của mình có thấp một chút. Hãy cứ làm việc hăng say, vận may sẽ đến với bạn.
Thứ hai: Chi tiêum tiết kiệm hợp lý
“Hãy trả cho những thứ mình cần, không phải những gì mình muốn”. Nếu đáng chi, bao nhiêu cũng có thể chi. Nếu không đáng, một đồng cũng cần phải suy nghĩ. Giá trị của một người nằm chính ở bản thân người đó, không phải những phụ kiện đi kèm.
Vì lý do đó, tôi vẫn sử dụng chiếc xe máy Wave đã mua 10 năm trước, từ thời sinh viên, chiếc smart phone 4 triệu và chưa thấy ai chê là “bèo” hết. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi keo kiệt, tôi cũng có iPad để sử dụng giải trí ở nhà, một bộ máy ảnh cơ vài nghìn USD nhằm phục vụ sở thích chụp ảnh... Những thứ đó đều đáng để đầu tư và được sử dụng tối đa, không phải mua để khoe.
Tôi còn nuôi em học đại học và hàng năm đi du lịch ít nhất một tỉnh hoặc một nước. Tôi cũng thường xuyên gặp gỡ bạn bè thân thiết, mời về nhà tiệc tùng. Những thứ đó đáng để chi tiền.
Ngoài ra, tôi thực hiện triệt để tiết kiệm trước chi tiêu. Mỗi khi nhận lương, tôi đều chuyển một khoảng cố định vào tiết kiệm online và chỉ sử dụng số còn lại một cách hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, có những khoản chi tiêu tôi không cần phải đắn đo nhiều như:
Đầu tư cho giáo dục: Đầu tư hôm nay, tương lai bạn sẽ được nhận lại.
Đầu tư cho sức khỏe: Người khỏe muốn rất nhiều thứ, nhưng người bệnh chỉ muốn sức khỏe.
Đầu tư cho trải nghiệm: Hãy rạch ròi giữa trải nghiệm và hoang phí. Ví như một suất cà phê trên toà nhà Bitexco là 200.000 đồng. Nếu bạn chưa đến thì hãy thử trải nghiệm một lần, còn nếu bạn cứ thích đến đó hoài thì đúng là… hơi phí.
Báo hiếu bố mẹ: Đây không phải là bổn phận, mà là quyền của những đứa con có cha mẹ. Tôi chưa bao giờ tiếc tiền cho niềm vui và sức khỏe của bố mẹ cả. Hàng tháng đều mua yến sào gửi về quê, khám bệnh định kỳ cho bố mẹ. Nụ cười của bố mẹ luôn là hạnh phúc của tôi.
Thứ ba: Sống giản dị, không sân si, hãy cho đi rồi sẽ được nhận lại
Tôi quan niệm rằng, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một suy nghĩ, một lối sống riêng, nên không thể nào bắt họ phải giống như mình. Vì thế, nếu có ai đó không giống bạn, thì cũng là điều bình thường.
Tôi chỉ giữ tập trung vào những yêu cầu tối quan trọng, nên nếu ai đó có làm ảnh hưởng đến tôi chút xíu, mà họ thấy hạnh phúc, thì cũng không sao.
“Nghìn người bạn vẫn chưa đủ, một người thù đã quá là nhiều”. Nếu nếu họ không làm thiệt hại nặng nề đến mình, thì hãy cứ thoải mái đi, cứ vị tha đi, cứ rộng mở đi.
“Hãy cho, rồi bạn sẽ được nhận lại”. Giảm phê phán, xét nét, chê bai người khác, bạn sẽ tìm sự thanh thản trong chính tâm hồn mình.
Triết lý đang theo đuổi: Nhiệm vụ tối cao của con người là truyền lại kiến thức.
Tự thấy bản thân không đủ tố chất để trở thành doanh nhân, mang lại việc làm cho người khác, tôi chọn cho mình một triết lý sống để theo đuổi: truyền lại kiến thức cho mọi người.
Tôi đang bắt đầu những bước chuẩn bị cơ bản để đi dạy, và viết sách nhằm truyền đạt lại kiến thức chuyên môn thực tiễn của tôi cho thế hệ em út sau. Đó là con đường tương lai, và tôi tin mình sẽ thực hiện được.
Tôi dự tính sẽ cưới vợ trong thời gian tới, cuộc sống chắc chắn sẽ có rất nhiều biến đổi và khó khăn. Nhưng điều tôi muốn nhắn nhủ với mọi người là, cuộc đời ngắn ngủi vô thường, hãy sống vị tha, bớt sân si và hướng đến những giá trị cốt lõi của mỗi người.
Hãy cân bằng giữa cuộc sống hôm nay và đầu tư cho mai sau, không chỉ về tiền bạc, mà còn về tâm hồn và lý tưởng. Hãy làm sao để: “Khi sinh ra, tôi khóc, mọi người cười. Khi chết đi, tôi cười, mọi người khóc”.
>> Xem thêm: ‘Đừng ảo tưởng lương 1.000 đôla khi mới ra trường’
Tạp vụ trở thành giám đốc trường dạy nấu ăn nổi tiếng Hà Nội
Tôi bắt tay làm đủ thứ nghề, từ tạp vụ, chạy bàn trước khi trở thành đầu bếp chính thức. Sau này, dù mức lương cao ngất ngưởng, tôi vẫn quyết định bỏ ngang. |
Chia sẻ bài viết của bạn về lập nghiệp, lương bổng tại đây.