Hải quân Việt Nam Cộng hòa
Ngày 16/1/1974, đại tá Hà Văn Ngạc được Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải chỉ định làm Chỉ huy trưởng Hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa. Hải đoàn đặc nhiệm gồm:
Tuần duyên hạm Lý Thường Kiệt HQ16, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 15/1/1974. HQ16 có trọng tải 1.766 tấn tiêu chuẩn, 2.800 tấn tối đa. Hỏa lực của HQ16 gồm: 1 hải pháo 127 ly phía trước mũi, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút tầm xa 17 km, đầu đạn nặng 25kg; 2 hải pháo 40 ly đơn bên trái và bên phải tại sân sau, tốc độ bắn 120-160 viên/phút, tầm xa 12,7 km; 1 hải pháo 40 ly đôi ở trên sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu đại bác 20 ly ở hai bên hông đài chỉ huy, tốc độ bắn 800 viên/phút, tầm xa 2 km. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người. Vận tốc là 21 hải lý/giờ. Hạm trưởng là Trung tá Lê Văn Thự.
Tuần duyên hạm Trần Bình Trọng HQ5, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 18/1/1974 cùng với biệt đội hải kích của Liên đoàn người nhái (lực lượng người nhái) gồm 49 quân nhân dưới quyền chỉ huy của Đại úy Nguyễn Minh Cảnh. Các đặc tính kỹ thuật và hỏa lực của HQ5 tương tự như của HQ16. Hạm trưởng của HQ5 là Trung tá Phạm Trọng Quỳnh.
Các chiến hạm này được đóng trong thời gian từ 1942 cho đến 1945 và bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa vào những năm 1970 đến 1972. Khi chuyển giao, các tuần duyên hạm chỉ có hải pháo 127 ly, sau này Hải quân Việt Nam đã gắn thêm các ụ súng 40 ly đôi để tăng cường khả năng tác chiến. Hệ thống chống tàu ngầm cũng đã bị tháo gỡ khi bàn giao.
![]() |
Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 17/1/1974 chở theo 27 biệt hải (lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân VNCH). Chiến hạm này nguyên là khu trục hạm thuần túy có nhiệm vụ yểm trợ phòng không và chống tàu ngầm, sau Chiến tranh thế giới II đã được tân trang và gắn radar để trở thành loại chiến hạm chuyên dùng radar phát hiện hỏa tiễn địch. Trọng tải của HQ4 là 1.590 tấn tiêu chuẩn, 1.850 tấn tối đa. Vũ khí trên tàu gồm 1 hải pháo 76,2 ly ở sân trước có pháo tháp, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút, tầm xa 12 km; 1 hải pháo 76,2 ly ở sân sau lộ thiên, tốc độ bắn tự động là 15 viên/phút và 1-2 viên/phút điều chỉnh bằng tay bắn phát một, tầm xa 12 km; 3 đại bác 20 ly tốc độ 800 viên/phút, tầm xa 2 km.
Khi bàn giao tàu cho Việt Namm Cộng hòa, hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa chặt mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ nên khả năng tác chiến không hơn gì các hộ tống hạm. Hệ thống chống tàu ngầm cũng đã bị tháo gỡ. Vận tốc tàu là 21 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn khoảng 175 người. Hạm trưởng của HQ4 là trung tá Vũ Hữu San.
Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 18/1/1974. Chiến hạm này nguyên là loại tàu được dùng để rà mìn ngoài đại dương, khi được chuyển giao đã cải biến thành tàu hộ tống. Trọng tải của HQ10 là 650 tấn tiêu chuẩn, 945 tấn tối đa.
Vũ khí trên tàu gồm 1 hải pháo 76,2 ly ở sân trước, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút, tầm xa 12 km; 2 hải pháo 40 ly đơn bên trái và bên phải tại sân sau, tốc độ bắn 120-160 viên/phút, tầm xa 12,7 km; hệ thống chống tàu ngầm gồm 2 giàn thả thủy lựu đạn ở sân sau và 1 giàn phóng thủy lựu đạn loại Hedgehog ở sân trước. Thủy thủ đoàn khoảng 80 người. Vận tốc 14 hải lý/giờ. Hạm trưởng HQ10 là Thiếu tá Ngụy Văn Thà.
Hải quân Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc được thành lập năm 1950 với các chiến hạm do Trung Hoa Dân Quốc để lại và sự giúp đỡ của Liên Xô. Thập niên 70, dù còn lạc hậu so với các cường quốc hải quân trên thế giới, Trung Quốc cũng có đủ 5 lực lượng chính: khu trục hạm, tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm), Không quân thuộc Hải quân, Phòng duyên và Thủy quân Lục chiến. Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc thời kỳ này bắt đầu chuyển từ “phòng thủ thụ động” sang “phòng thủ chủ động” và được xem như một thành phần quan trọng để xâm chiếm Đài Loan cũng như Hoàng Sa, Trường Sa.
![]() |
Lực lượng tham chiến của Hải quân Trung Quốc trong trận Hoàng Sa bao gồm:
Hai hộ tống hạm Kronstadt 271, 274. Hỏa lực mỗi chiến hạm gồm 1 hải pháo 100 ly ở sân trước, tốc độ bắn là 15 viên/phút, tầm xa 20 km; 2 đại bác 37 ly ở sân sau, tốc độ bắn 180 viên/phút, tầm xa 8,5 km. Thủy thủ đoàn khoảng 65 người. Vận tốc 24 hải lý/giờ.
Hai trục lôi hạm cải biến T43 389 và 396 được thiết kế dựa theo các trục lôi hạm T43 của Liên Xô. Trọng tải của mỗi chiến hạm là 590 tấn tối đa; dài khoảng 60m, rộng khoảng 8,6m. Vũ khí trên mỗi tàu gồm 1 hải pháo 100 ly ở sân trước, tốc độ bắn là 15 viên/phút, tầm xa 20 km; 4 đại bác 37 ly ở sân sau, tốc độ bắn 180 viên/phút, tầm xa 8,5 km. Thủy thủ đoàn khoảng 40 người. Vận tốc 17 hải lý/giờ.
Hai tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly: 402 và 407.
Hai tàu hộ tống loại Hainan 281 và 282 đến Hoàng Sa vào trưa ngày 19/1/1974. Trọng tải của mỗi chiến hạm là 430 tấn tối đa; dài gần 59m, rộng khoảng 7,4m. Vũ khí trên mỗi tàu gồm hai khẩu 57 ly đôi và hai khẩu 25 ly đôi vận hành bằng tay; 4 giàn phóng rocket, mỗi giàn 5 ống phóng loại 81 (RBU-1200) gồm 50 rocket tầm xa 1.200m, đầu đạn nặng 34 kg.
Hai tàu ngầm loại Romeo Class S033 282 và 289 đến Hoàng Sa sau ngày 19/1/1974 hoạt động trong vùng nước cạn, được dùng trong công tác tuần tiễu và phòng thủ bờ biển. Trọng tải của mỗi tầu ngầm là 1.319 tấn (nổi) và 1.830 (lặn); dài khoảng 76,6m, rộng khoảng 6,7m. Vũ khí của mỗi tàu bao gồm 8 ống phóng ngư lôi (6 mũi, 2 lái) loại Yu-1, tổng cộng 14 ngư lôi, đầu nổ 400kg, có thể tấn công các chiến hạm ở tầm tối đa 9,2km và tối thiểu 3,7km. Tầm hoạt động: 2.000 hải lý hay 60 ngày. Thủy thủ đoàn khoảng 65 người.