Chiếc xuồng cao su dừng trên sông Hồng, đoạn giữa chân cầu Phong Châu với cầu phao công binh mới lắp vào ngày 1/10/2024. Đồng đội đã thả phao tiêu đánh dấu vị trí tìm kiếm. Đeo bình khí lặn, ngậm ống thở, đại úy Nguyễn Văn Hoàng, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện lặn sâu, Lữ đoàn Đặc công hải quân 126, giơ ngón cái với đồng đội báo hiệu sẵn sàng rồi nhảy xuống nước.
Đại úy 35 tuổi hy vọng tìm thấy người mất tích bởi khi xem thiết kế, nhịp cầu có lồng sắt có thể còn người và phương tiện mắc lại. Hôm đó đã là ngày thứ 22 sau khi cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối Hà Nội với Phú Thọ bị sập hai nhịp sau bão Yagi khiến hàng loạt phương tiện rơi xuống, 13 người mất tích.
Ngày 28/9, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 nhận nhiệm vụ cử một tổ công tác đi khảo sát thực địa, kiểm tra dòng chảy, hiện trường. 30 đặc công nước cùng 15 bộ máy lặn thở, xuồng cao su và một số phương tiện khác cơ động từ Hải Phòng lên làm nhiệm vụ. Những đặc công nước nhiều năm kinh nghiệm có thể lặn sâu gần trăm mét từng tham gia tìm kiếm Su-30 MK2, Casa212 mất tích trên biển; Bell-505 gặp nạn trên vịnh Lan Hạ nhập cuộc. Đại úy Hoàng sáng đó đang tranh thủ cuối tuần, được lệnh cũng lập tức trở về đơn vị.
Đặc công nước lặn tìm theo phương pháp ô vuông, mỗi điểm cách nhau trăm mét để tránh bỏ sót. Mặt sông Hồng sau những ngày mưa lũ "trông có vẻ êm hơn", nhưng tốc độ dòng chảy vẫn trên 3-4 m/s, nước siết mang theo bùn đất đục ngầu. Anh Hoàng căng mắt tránh chướng ngại vật. Đèn pin soi nước vẫn ở trên đầu, nhưng lớp bùn đất khiến mọi thứ mờ mờ, có lúc không nhìn thấy gì. Xuống sâu gần chục mét, nước cuộn theo cây cối, rác rưởi từ thượng nguồn đổ về gây khó cho thợ lặn. Ngày tìm kiếm đầu tiên kết thúc mà chưa có kết quả.
Vòng tròn tìm kiếm ngày càng mở rộng những ngày sau đó. Tới 5/10, người nhái phát hiện nhịp cầu số 6 nằm giữa dòng, cách cầu Phong Châu cũ khoảng trăm mét. Lực lượng đặt phao tiêu đánh dấu vị trí rồi báo cáo lại Ban chỉ đạo tìm kiếm. "Một ngày sau, anh em lặn xuống kiểm tra thì không còn nhìn thấy vòm cầu hay dầm thép đâu nữa, đất cát đã vùi lấp toàn bộ, chỉ còn lại những chiếc phao đánh dấu cho biết dưới lòng sông có một nhịp cầu đã gãy, nhưng không thấy người", đại úy Hoàng kể.
Có ngày lũ sông Hồng dâng cao khiến tốc độ dòng chảy lên tới 5 m mỗi giây - sức nước có thể cuốn cả phao tiêu nặng một tạ đi đoạn dài. Công binh tạm thời phải cắt cầu phao nặng 60 tấn bắc qua sông. Công việc của người nhái cũng gián đoạn, chờ cho lưu tốc dòng chảy ổn định mới tiếp tục xuống nước.
Ngoài phương pháp chuyên môn, cách tìm kiếm nạn nhân bằng tâm linh theo ý nguyện gia đình và sau khi được lãnh đạo đơn vị đồng ý cũng được áp dụng. Đại úy Hoàng kể em gái nạn nhân cho biết người chị về báo mộng bị kẹt ở chỗ cầu sập khoảng 1,5 km. Nhưng ngụp lặn tìm khắp vị trí này, anh cùng đồng đội không tìm thấy gì ngoài cây cối, rác rưởi.
Vị trí tìm kiếm xa nhất có lúc xuôi về hạ lưu tới đoạn giáp Vĩnh Phúc, cách cầu sập khoảng 40 km. Nơi mà người dân trong vùng tin là đoạn trũng nước êm hơn, xác người chết đuối từ thượng nguồn thường trôi về rồi mắc lại. Nhưng không có thêm nạn nhân nào được tìm thấy.
Ngày 30/10, lực lượng được lệnh ngừng tìm kiếm sau một tháng nhập cuộc. Đặc công nước đã tổ chức tổng cộng 66 ca lặn tìm ở 38 tọa độ được đánh dấu trên bản đồ trong phạm vi 40 km sông tính từ chỗ cầu sập.
15 năm lặn sâu, mỗi lần làm nhiệm vụ cho đại úy Hoàng những trải nghiệm riêng. Lặn sông Hồng mùa lũ thực sự là thử thách khi tầm nhìn hạn chế vì bùn đất và tốc độ dòng chảy đẩy người lẫn trang thiết bị đi một đoạn. Càng xuống sâu áp suất càng tăng, chưa kể hàng loạt chướng ngại trong nước. Người nhái vì thế luôn căng mắt căng não, vài giây không tập trung có thể đánh đổi bằng tính mạng.
"Dù sông hay biển, càng xuống sâu càng cô đơn, càng như người đi trong bóng tối", anh Hoàng kể về cảm giác dưới nước. Những ca lặn tìm vì thế luôn theo tổ, ít nhất ba người để hỗ trợ nhau về tư tưởng lẫn an toàn.
Đặc công nước với đại úy Hoàng là "nghề chọn người" bởi anh tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 2015, nhận nhiệm vụ về Lữ đoàn đặc công 126 vài tháng, anh đăng ký huấn luyện người nhái khi đơn vị có đợt tuyển chọn. Gần 10 năm khổ luyện, đại úy 35 tuổi giờ có thể bơi vài chục cây số trên biển, lặn sâu gần trăm mét và trực tiếp tham gia huấn luyện đặc công.
Trung tá Khổng Quốc Thắng, Chính trị viên Trung tâm Huấn luyện lặn sâu, đánh giá nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ sập cầu Phong Châu "tính chất khá phức tạp". Bởi sự cộng hưởng của mực nước, tốc độ dòng chảy, địa hình đáy sông Hồng và chịu chi phối của rất nhiều nhiệm vụ khác. Khu vực cầu Phong Châu những ngày ấy không chỉ đặc công nước lặn tìm, còn có công binh đưa đón người dân qua sông bằng cầu phao hoặc phà. Lực lượng tham gia vì thế phải là người "tinh nhuệ, sức khỏe tốt, bản lĩnh nhất" và từng thực hiện nhiều vụ cứu nạn.
66 ca lặn, mỗi ngày ít nhất hai ca và không nghỉ cuối tuần, các phương pháp tìm kiếm gần như được áp dụng hết để đảm bảo "không sót vị trí, cm nào", theo trung tá Thắng. Ngoài phao tiêu đánh dấu, chỉ huy lệnh cho tàu neo đậu tạo trục thẳng đứng hỗ trợ người nhái lặn tìm. Nhưng càng xuống sâu áp lực càng lớn, lưu tốc nước thay đổi theo ngày, thậm chí giờ, công việc vì thế nhiều lần gián đoạn.
Mỗi ca lặn đều mang theo hy vọng tìm kiếm được thứ gì, có thể chỉ là vật dụng sót lại của nạn nhân để gia đình yên lòng. Song thời gian càng lâu lượng phù sa bồi đắp càng lớn. "Điều đáng tiếc là không có thêm nạn nhân nào được tìm thấy. Anh em không tiếc sức mình, nhưng áy náy và đành chấp nhận kết quả cuối cùng như vậy", anh chia sẻ.
Vị chỉ huy phân tích lặn biển và lặn sông có đặc thù riêng. Lặn biển độ sâu lớn nhưng nước trong, dòng chảy ổn định giúp tầm quan sát tốt, nhìn rõ trong khoảng một mét và có thể dùng đèn soi; vị trí tìm kiếm thường được khoanh vùng và thu hẹp dần. Sông dù nhỏ hơn, độ sâu khoảng 18 m trở lại nhưng bùn đất dày đặc nên rất khó quan sát, thậm chí có thể gặp chướng ngại, cây cối di chuyển theo dòng.
Để nâng ngưỡng chịu đựng trong sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ cứu hộ thời bình, đặc công hải quân mỗi năm trải qua ít nhất 9 tháng khổ luyện. Bơi biển vài chục cây số, thả trôi sinh tồn trở thành bài kiểm tra cơ bản mỗi mùa huấn luyện thực địa hàng năm. Ngoài nhiệm vụ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân giao, trung tâm thường giúp địa phương đi cứu đuối nhất là dịp hè, bởi huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, nơi đơn vị đóng quân có sông, giáp biển.
"Ở đây nhiều khi anh em không có buổi chiều, đang chơi thể thao, huấn luyện, thậm chí hẹn hò mà có lệnh là đi ngay, có khi đến sáng hôm sau mới về", anh nói.
Hoàng Phương - Sơn Hà