Bà Dương Thị Kim Dung từng là một cô giáo. Sau một thời gian đứng trên bục giảng, bà xin nghỉ về mở quán bán cơm để có nhiều thời gian và điều kiện làm từ thiện. Quán cơm của bà là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn. Lời lãi từ quán được chuyển thành những chuyến đi thiện nguyện, quyên góp ủng hộ xây cầu, nhà tình thương.
Năm 2014, trong một lần đi phát học bổng ở Củ Chi, bà Dung được chủ tịch xã Phạm Văn Cội giới thiệu một em học sinh tên Nguyễn Thị Tuyết Anh vừa thi đậu ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM nhưng gia cảnh khó khăn, không dám nhập học.
"Năm đó, khi tôi đến nhà gặp con bé, nó 18 tuổi mà người nhỏ xíu như học sinh lớp 6", bà Dung kể.
Tuyết Anh cho biết, mẹ bị bệnh tim, gần như không lao động được. Ba em đi bộ đội về, gồng gánh nuôi cả gia đình bằng khoản lương làm bảo vệ. Nghe tin con gái đậu đại học, cả gia đình vỡ òa vì mừng nhưng ngay sau đó là nỗi lo "tiền đâu cho con đi học".
Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình xong, bà Dung ngỏ lời nhận nuôi Tuyết Anh ăn ở trong suốt những năm học đại học. Ban đầu, ba mẹ cô bé ngần ngại. Họ không tin tự nhiên có người tốt bụng thế, sợ con mình bị đem bán. Hiểu nỗi lòng của gia đình, bà Dung tìm đến chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ. Được sự giới thiệu của chủ tịch xã Phạm Văn Cội, ba mẹ Tuyết Anh mới an tâm giao con. Trước khi rời Củ Chi, bà Dung còn cố động viên: "Gia đình cứ yên tâm, tôi lo cho cháu được mà, đừng để cháu nghỉ học mà tội".
Để Tuyết Anh nhanh làm quen với môi trường mới, bà Dung nhận thêm một nữ sinh khác học cùng trường đến ở chung phòng với Tuyết Anh cho có bạn. Trong căn phòng ở lầu ba, bà chủ quán cơm đã chuẩn bị tươm tất, không thiếu bất cứ vật dụng gì.
Có giai đoạn mẹ Tuyết Anh phải khám và điều trị bệnh tim nhưng nhà không còn đồng nào. Cô bé sinh viên không kể nhưng bà Dung vẫn biết và tự lấy tiền cho mượn.
"Sau này đi làm có tiền, tôi gửi trả hết tiền mượn của má. Tiền thì đã trả hết nhưng ân tình thì vẫn còn đó, không trả hết được", Tuyết Anh, hiện 26 tuổi, bác sĩ bệnh viện Củ Chi nói.
Tuyết Anh là lứa sinh viên đầu tiên được bà Dung nuôi ăn học miễn phí. Những năm sau đó, bà tiếp tục đón thêm lứa mới. Căn nhà ba tầng được cải tạo lại, tầng trệt và một phần tầng một làm nơi bán cơm, tầng hai bà để ở. Toàn bộ tầng ba và một phần tầng một, bà chia thành 4 phòng cho sinh viên ở.
Có người nói sao bà không cho thuê, mỗi tháng cũng được mười mấy triệu. Bà Dung giải thích, giờ chồng mất, con cái đều đã trưởng thành có nhà riêng, chỉ còn mình bà, bà lấy tiền đó rồi để làm gì, ăn cũng hết. "Thay vì như vậy, tôi cho sinh viên ở miễn phí, sau này các con thành tài còn giúp ích cho xã hội", bà nói.
Sau Tuyết Anh, Quang Đại là một trong những sinh viên nghèo khác được bà Dung cưu mang. Ba năm trước, cứ mỗi sáng tập thể dục, bạn bà Dung bắt gặp chàng thanh niên ngồi đọc sách ở ghế đá. Người đó hỏi: "Sao con không về nhà học?". Chàng trai đáp "Con không còn tiền trả nhà trọ", rồi thò tay lấy gói mì trong túi ra ăn. Nhìn cảnh đó, người bạn chạnh lòng nên gọi điện thoại cho bà Dung. Nhận cuộc gọi, bà bừng dậy vội chạy ra nhận Đại về nuôi. Chàng thanh niên Đại khi ấy đang học ngành Khách sạn - Nhà hàng, vì gia đình quá khó khăn nên Đại phải sống lay lắt ngoài công viên gần một tháng.
Giờ đây Đại đã tốt nghiệp và đang làm cho một ngân hàng. Anh vẫn ở lại gắn bó với người má nuôi. Thời gian rảnh, anh lại vào bếp phụ bán cơm. "Nếu không có má Dung, ngày ấy tôi có thể sẽ bỏ học vì nghèo. Má đã cho tôi một cuộc sống mới. Tôi ở lại đây phụ má và hỗ trợ những bạn sinh viên có hoàn cảnh như mình", Quang Đại nói.
Bà Dung đang nuôi thêm hai sinh viên Lào là Khounphinit Sodalay (thường gọi là Jack), 23 tuổi và Phrathepsouvanh Thipphakone (Axe), 24 tuổi. Hai anh sang Việt Nam theo chương trình "Sinh viên Lào với gia đình Việt" năm 2019. Sau ba tháng tham gia trải nghiệm, Jack và Axe xin được ở lại nhà bà Dung trong những năm theo học tại Việt Nam.
Cả hai đang theo học ngành y đa khoa, Đại học y Phạm Ngọc Thạch. Hai chàng sinh viên xem đây như gia đình thứ hai. Trong mùa dịch, Jack và Axe cùng bà Dung tham gia phát quà hỗ trợ bà con nghèo tại phường.
"Sống lâu ngày với cô Dung chúng tôi cảm nhận được tình yêu của cô dành cho mình. Cô không chỉ nuôi nấng mà còn dạy cách làm người. Thấy người nghèo phải giúp, cái gì xấu phải tránh cái gì tốt mình nên làm", Jack nói.
Tại ngôi nhà này không có ranh giới giữa người ở và chủ nhà, chỉ có tình yêu giữa người mẹ già và các con. Đó là ngôi nhà hạnh phúc. Cứ những lúc rảnh, hai đứa con trai nước bạn lại trổ tài nấu món Lào cho cả nhà thưởng thức. Mọi người cùng nhau giao lưu nền văn hóa cho nhau. "Tiếng cười luôn hiện hữu ở đây. Nơi đây như gia đình thứ hai của tôi", Axe bày tỏ.
Quán cơm mở được 35 năm cũng là ngần ấy năm bà Nguyễn Ngọc Điệp (hay còn gọi là bà Bảy), 72 tuổi sống cùng với bà Dung. Ngày xưa, bà Điệp từ Vĩnh Long lặn lội lên Sài Gòn kiếm việc làm, biết hoàn cảnh khó khăn, bà Dung nhận về phụ giúp quán cơm cho đến hôm nay. "Ban đầu tôi nhận bà Bảy lên làm, sau đó vì nhớ con quá nên bả xin đưa con lên ở cùng. Tôi cũng đồng ý nhận hết. Sau này cả ba đứa tôi đều lo ăn, lo học nghề, tổ chức đám cưới và ổn định cuộc sống", bà Dung nói.
Hàng xóm xung quanh giờ cũng đã quen với cảnh "nhà đông con" của bà Dung. Bà Lê Kim Mai, 62 tuổi, cách đó mấy căn nhà kể: "Bà Dung ở đây không còn xa lạ gì. Không chỉ cho sinh viên nghèo ăn, ở miễn phí, bà Dung còn chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm, nhất là trong đợt dịch vừa rồi".
Bà Dung tâm sự, giờ đây khi đã lớn tuổi, có một nỗi lo mà đêm nào bà cũng suy nghĩ. Bà lo nếu một ngày bà không còn thì tụi nhỏ sẽ ra sao, còn ai đủ kiên nhẫn cưu mang những đứa học trò nghèo.
"Thấy các con ngoan, biết nghe lời, chịu khó học là tôi an tâm. Tôi chỉ cầu mong mình có được sức khỏe để giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Tạo niềm vui cho người ta để làm niềm hạnh phúc cho chính mình", bà Dung nói.
Đông Hoàng