Nằm khuất dưới những ngọn đồi xã Hòa Long (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là mái ấm bình yên của những mảnh đời bất hạnh: Trại phong Quả Cảm. Đúng với tên gọi, gắn liền với trại phong chính là những con người quả cảm nhất, và chị Nguyễn Thị Xuân, một trong những người phụ nữ “kỳ lạ” của vùng đất này đã dành gần 30 năm tuổi trẻ để chăm sóc cho những bệnh nhân phong ở nơi đây.

Chị Xuân bên những đôi giày dành cho bệnh nhân phong.
Như bao người nông dân chân chất, chị sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Hòa (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), gắn liền với việc đồng áng mỗi ngày. Sau này, được mọi người khuyến khích, chị tham gia khóa học ở trường Đào tạo giáo viên mầm non huyện Quế Võ, sau đó vừa làm nông vừa làm giáo viên tại xã nhà.
Những tưởng suốt cuộc đời sẽ gắn liền với nghề nhà giáo nhưng cái “duyên buồn”, từ lần chứng kiến đám táng của một cụ già vô danh được những người đồng bệnh phong đưa về với đất mẹ đã lấy hết nước mắt của người phụ nữ khi ấy vẫn chưa tròn 30 tuổi. Cái thời những người mắc bệnh phong luôn bị hắt hủi, kỳ thị, bị người thân và xã hội xa lánh thì có mấy ai tình nguyện chăm sóc họ. Những năm đó khu điều trị bệnh phong Quả Cảm có hơn 300 bệnh nhân.
Chị Xuân đã dặn lòng nhất định sẽ quay lại thăm các cụ và những chuyến viếng thăm thường xuyên tại trại phong, chị Xuân không ngần ngại tắm rửa, bôi thuốc, xoa bóp cho những người bệnh. Từ lời động viên của bác sĩ trưởng khoa, chị Xuân đã quyết tâm học tập chuyên môn, trở thành y tá để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh tại vùng đất sống tách biệt này.
Di chứng nặng nề của bệnh phong những năm đó không phải ai cũng có gan đối mặt để chăm sóc và yêu thương người mắc bệnh. Nhưng dù những ngón tay, ngón chân mất đi vài đốt, dù cùi cụt, da thịt có thể rỉ máu thì họ vẫn cần tình người để sưởi ấm những trái tim đơn độc, hy vọng mọi người đừng xua đuổi họ ra khỏi cuộc sống bình thường của những con người thật sự.
Chị Xuân tâm sự: “Rất khó để có người muốn chia sẻ công việc này với mình. Những người thân của bệnh nhân còn xua đuổi họ thì sao những người thân ruột thịt của tôi có thể chấp nhận cho tôi chăm sóc họ chứ. Mọi người cho rằng tôi thân làm tội đời nhưng thật sự tôi thấy rất hạnh phúc khi được làm y tá, những người bị phong đang cần tôi và tôi cũng không muốn rời xa họ”.
Quyết tâm gắn bó với những mảnh đời nghiệt ngã, chị Xuân đã đưa ra hành động “kỳ lạ” trong mắt một số người khi chủ động khăn gói vào tận trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để học cách chăm sóc người bệnh. Ngoài ra chị còn mày mò sáng chế ra giày dép dành riêng cho bệnh nhân và hướng dẫn cho nhiều trại phong khác làm theo. Nhờ những sáng chế của chị, bệnh nhân có thể tự đi lại, không cần phải bò, lết như trước kia, nỗi đau về xác thịt của họ phần nào được vơi đi.

Chỉ dẫn bệnh nhân tập luyện để tăng cường thể chất, chống lại sự tàn phá của căn bệnh.
Không dừng lại ở đó, chị còn tìm hiểu, cải tiến và chế ra các dụng cụ phục hồi chức năng chuyên biệt cho bệnh nhân như nạng, bút viết, bát, thìa… để họ dần thấy cuộc sống của mình bình thường trở lại.
Gần 30 năm gắn bó, trại phong Quả Cảm nay đã trở thành Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh với hơn 90 người bệnh, đa số là người già neo đơn. Cùng với các bác sĩ và đồng nghiệp, chị Xuân luôn là người bạn tri âm thân thiết nhất của những câu chuyện đời, những tâm sự nhói lòng chẳng thể chia sẻ cùng ai của các bệnh nhân.
Nhiều người mắc bệnh đến đây xin nương tựa vào vùng đất yên bình, thấm đẫm tình người này, nơi đã thu nhận họ bằng cả tấm lòng của những “lương y như từ mẫu”, chăm sóc họ như những người thân ruột thịt. Hiện tại, khoa Phong có một bác sĩ, 2 y tá và 5 nhân viên phục vụ nhưng chỉ duy nhất có chị Xuân là sống luôn trong một căn phòng nhỏ tại đây. Nhiều lúc nửa đêm, bệnh nhân ốm đau, chị là người túc trực chăm sóc, ngay cả khi các cụ khuất núi, chị cũng là người tắm rửa, thay giặt và lo mọi thủ tục tang lễ.
Chị Xuân chia sẻ: “Lúc đầu cũng sợ lắm nhưng làm nhiều thành quen, giờ tôi cũng thấy bình thường. Họ như những người thân của tôi, chỉ tội lúc mất không có người thân thích thật sự bên cạnh họ”.

Ngôi nhà chung của bệnh nhân phong nơi chị Xuân gắn bó gần 30 năm qua
Bước sang tuổi 59, chị Xuân đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định tiếp tục đồng hành, chia sẻ vui buồn cùng những bệnh nhân tại đây. Bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim của mình, chị Xuân hy vọng bệnh nhân phong cũng có quyền được hạnh phúc, mong mọi người không xa lánh, hắt hủi họ.
Hiện tại, ngoài công việc ở bệnh viện, chị còn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tiền xây nhà cho gần 200 bệnh nhân phong, xin các suất học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn, phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức các cuộc giao lưu đoàn kết cho bệnh nhân và con em họ. Hơn 20 cặp vợ chồng do chị Xuân mai mối nay đã có cuộc sống gia đình hạnh phúc, tiếng trẻ chạy nhảy, nô đùa trong khu trại phong đang thổi bừng sức sống cho những người mắc bệnh tại vùng đất này.
Sau giờ làm, thỉnh thoảng dân trong vùng lại bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ấy tự mình đi xe máy đến khắp nơi để điều trị ngoại trú cho các bệnh nhân phong và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.
Cống hiến cả tuổi xuân, hơn nửa cuộc đời để để chăm sóc bệnh nhân phong, người phụ nữ giàu lòng yêu thương và nhân ái này vẫn tiếp tục làm theo trái tim. “Tôi muốn làm bạn với họ đến cuối đời. Sau này tuổi cao sức yếu tôi cũng chỉ mong được chết bên cạnh những người phong”, chị chia sẻ.
Nguyễn Thị Xuân (1957) là chị cả trong một gia đình đông anh em, cha mẹ mất sớm. Trước khi bén duyên với trại phong, chị là giáo viên mầm non, đến năm 1987, chị tham gia khóa đào tạo y tá tại trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) rồi quay về công tác và ở hẳn trong trại phong Quả Cảm để tiện chăm sóc cho bệnh nhân. Sau 2 năm gắn bó, các bệnh nhân tại trại đã làm đơn đề nghị gửi lên Sở Y tế tỉnh Bắc Hà xin cho chị Xuân được vào làm việc chính thức.
Thu Ngân