“Từ nhỏ, tôi đã bị mặc định là con trai nên khi đi học hay làm bất cứ việc gì, mọi người cũng đều xếp vào hàng đàn ông mặc dù trong thâm tâm tôi lúc nào cũng biết mình là con gái”, chị Thành (xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước) tâm sự.
Chị kể từ lúc mới sinh gia đình nghĩ là con trai nên toàn mua đồ con trai bắt chị mặc, đồ chơi cũng toàn những thứ mà bé trai thích. “Ngày đó thấy ba mẹ nói làm gì thì tôi làm vậy chứ không biết gì. Mẹ bảo mặc đồ con trai thì cứ mặc, mặc dù rất thích đồ con gái”, chị Thành kể lại.
Những khó khăn, thử thách bắt đầu đến với cô bé Ngô Văn Thành khi tới tuổi đến trường. Ngày nhập học, vì trong giấy khai sinh là con trai nên Thành bị xếp vào danh sách nam giới. Và dĩ nhiên, cô bé Thành được xếp ngồi chung bàn với các bạn nam, phân công lao động cũng nặng hơn.
“Lúc này tôi bắt đầu cảm nhận những khó khăn cho mình. Vì tôi biết mình là con gái nên khi ngồi với các bạn trai có cảm giác rất mắc cỡ”, chị Thành nhớ lại.
Nhưng khó khăn rõ nhất và cũng là buồn nhất đối với Thành lúc này là sự phát triển về giới tính. Bản chất là con gái nên Thành thường nhẹ nhàng, điệu đà, đặc biệt là giọng nói đặc trưng con gái. “Vì những đặc điểm ấy mà tôi thường bị các bạn trong lớp chọc ghẹo, cho là pê đê, có bạn còn tránh xa nữa. Những lúc đó tôi rất buồn chỉ biết ngồi một chỗ mà khóc”.
Mãi đến năm 13 tuổi, Thành mới được gia đình và các bác sĩ phát hiện là nữ giới, phải trải qua một ca phẫu thuật đau đớn. “Lúc trở về là chính mình, tôi như được sống lại, vui khôn tả. Được mặc đồ con gái, tôi cảm thấy tự tin hơn mỗi khi ra đường và đi học”, Thành kể lại giây phút được trả lại giới tính thật.
Tưởng khi đã xác định rõ ràng là con gái rồi, các bạn trong lớp sẽ không còn chọc ghẹo Thành nữa. Nhưng cô bé đã nhầm, chỉ có người lớn, thầy cô mới hiểu, còn bạn bè thì không, thậm chí còn chọc ghẹo nhiều hơn. Đến khi không chịu nổi những lời gièm pha của chúng bạn, cô bé đành ngậm ngùi rời ghế nhà trường khi mới bước sang lớp 6.
Bỏ học, Thành về nhà đi phụ mẹ làm thuê và phụ việc ở vườn điều. Bước ngoặt cuộc đời chị là khi theo chúng bạn đi làm phụ hồ kiếm sống. Tại đây, Thành gặp và quen anh Trần Văn Nam. Tình yêu của họ nhanh chóng chớm nở. Sau một thời gian yêu nhau, năm 2010, họ quyết định tổ chức đám cưới.
Nhà nghèo, đám cưới giản dị nhưng đôi bạn trẻ rất hạnh phúc. Sau ngày cưới, chồng và gia đình chồng đề nghị chị về xin giấy tờ để làm giấy đăng ký kết hôn. Lúc này, Thành mới chợt nhớ giấy khai sinh mình là con trai, không biết làm sao chị buột miệng nói dối “giấy khai sinh của em mất rồi, để em đi làm lại”.
“3 năm lấy chồng, cũng là 3 năm đau khổ dằn vặt với tôi. Tôi phải nói dối chồng và gia đình bên ấy là mất giấy tờ nên chưa đăng ký kết hôn được. 3 năm không phải là quá dài, nhưng cũng đủ khiến tôi đau đớn tột cùng, mỗi lần nhà chồng nhắc chuyện kết hôn là mỗi lần tôi trở thành người nói dối bất đắc dĩ”, chị kể.
“May mà chồng và bố mẹ chồng hiền lành, không quá khắt khe nên tôi cũng được an ủi phần nào”, chị Thành ứa nước mắt tâm sự.
Đau khổ chưa hết, Thành bị u nang buồng trứng phải đi cắt bỏ, không thể sinh con. Chị đi xin con nuôi song đến bây giờ danh chính ngôn thuận vẫn không phải là mẹ, bởi chính quyền không cho phép một "chàng trai" làm điều đó.
"Nói dối chồng và gia đình chồng là điều tôi không hề mong muốn. Nhưng giờ tôi không biết nói sao để mọi người hiểu. Tôi là một phụ nữ đích thực ngay khi mới sinh ra nhưng do cơ thể bị dị dạng nên mới bị nhận nhầm là nam giới. Tôi sợ bây giờ nói ra mọi người sẽ nghĩ là tôi lừa dối. Giờ chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng để trả lại giới tính thật cho mình. Lúc đó tôi sẽ không ngần ngại nói thật với chồng và gia đình chồng”, chị Thành chia sẻ.
Chào đời năm 1984, bộ phận sinh dục bị dị dạng, chị Thành được cha mẹ khai sinh là nam, song thực tế khi lớn lên, cơ thể lại có kinh nguyệt, buồng trứng, ngực nở. Năm 13 tuổi, chị Thành tới Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) kiểm tra thì phát hiện là nữ, và được chỉnh sửa theo hướng này. Gia đình đánh mất giấy xác nhận của bệnh viện nên chị không thể làm lại được khai sinh.
Chị đã tới Phân viện Pháp Y TP HCM để xác định lại giới tính, và được chứng thực là "Nữ", song cơ quan Tư pháp tỉnh lại không thừa nhận. Chị tiếp tục được giới thiệu đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để làm lại, nhưng bệnh viện này từ chối, giới thiệu ra Bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội để xác định lại
Hành trình xa lắc ấy chị chưa dám đi, bởi gánh nặng kinh tế và áp lực phải nói dối người thân quá lớn.
Chế Bắc
* Tên nhân vật đã được thay đổi.