Thứ năm, 19/12/2024, 09:00 (GMT+7)

Ngày 1/2/2021, vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được cấp phép tại Việt Nam. Đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được nhập, triển khai trong nước. Đến nay, có 70 triệu liều đã được sử dụng cho các mũi tiêm đầu tiên và các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Không chỉ dừng lại ở vaccine, hãng dược phẩm còn phân phối và mang tới hơn 20 sản phẩm điều trị, thuộc ba lĩnh vực chính: ung thư; tim mạch, thận và chuyển hóa; hô hấp, tiêu hóa và miễn dịch. Đến nay, đơn vị đứng thứ 4 cả nước về các loại thuốc bán theo đơn.

Nhìn lại hành trình 30 năm tại Việt Nam, Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho biết công ty luôn giữ tầm nhìn đồng hành sự phát triển của nền y tế Việt Nam, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Người dân khám sàng lọc miễn phí tại Ngày Sức khỏe cộng đồng, nằm trong phạm vi chương trình "Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca Việt Nam tổ chức.

Theo đại diện AstraZeneca, Việt Nam có ngành dược mới nổi, hệ thống y tế công lớn mạnh. Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng xuất hiện song song với sự phát triển của ngành y tế.

Nằm trong 15 nước đông dân nhất thế giới, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, nhưng tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), nước ta nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với gánh nặng bệnh tật từ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch... Bộ Y tế năm 2023 dẫn báo cáo từ các bệnh viện, cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân.

Ngoài ra, ngành y tế còn cần giải quyết bài toán về công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị ở vùng sâu vùng xa; giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Pascal Soriot - Chủ tịch Tập đoàn AstraZeneca, nhân dịp ông Soriot trở lại Việt Nam sau 25 năm.

Đại diện AstraZeneca cho biết đề ra chiến lược dài hạn từ những thách thức trên, với một số giải pháp then chốt như: đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cải thiện khả năng chẩn đoán, tăng tiếp cận thuốc...

AstraZeneca mở rộng hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam (3/2023) và Bệnh viện K (6/2024), đặt nền tảng cho các dự án y tế.

Theo đó, việc tài trợ thực hiện các chương trình tầm soát, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm được đẩy mạnh. Năm 2021, công ty đã hợp tác với Bộ Y tế tổ chức chương trình "CareMe - Yêu lấy mình" nhằm củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025, góp phần giảm gánh nặng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động giáo dục sức khỏe và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh, chương trình dự kiến tiếp cận tối thiểu 500.000 người dân trong ba năm.

Chiến dịch "Thương phổi" của AstraZeneca Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh ung thư phổi.

Một số dự án khác cũng được AstraZeneca tài trợ thực hiện trong nhiều năm qua, gồm: "Vì lá phổi khỏe" nhằm cải thiện quản lý ngoại trú bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD và ung thư phổi; "Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên", giảm các hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (NCD) ở những người trẻ tuổi; "Thương phổi" nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh ung thư phổi, thúc đẩy các chương trình sàng lọc cho nhóm nguy cơ cao và tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm, cải thiện kết quả điều trị; "Mạng lưới Đổi mới sức khỏe" với mục tiêu nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.

Năm 2021, Bộ Y tế đánh giá Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức với gánh nặng bệnh tật kép và vấn đề già hóa dân số. Thực trạng này đòi hỏi hệ thống y tế cần tiếp tục được củng cố để đảm bảo phát triển bền vững và khả năng đáp ứng với khó khăn, thách thức trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng khuôn khổ đánh giá mới về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế, do Đại học Kinh tế London phát triển. Năm 2022, Bộ Y tế Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiếp tục cùng AstraZeneca ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai khuôn khổ trên.

AstraZeneca và đối tác Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đa lĩnh vực.

Ngoài ra, trong 5 năm 2023-2028, Bộ Y tế và AstraZeneca mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát bệnh tật, nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm, và phát triển hệ thống y tế bền vững...

Theo AstraZeneca, chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường song hành cùng phát triển bền vững. Tại Việt Nam, vào năm 2023, AstraZeneca đã cam kết đầu tư 50 triệu USD vào dự án AZ Forest nhằm khôi phục rừng và cảnh quan tại Việt Nam, đóng góp vào các mục tiêu Net Zero của quốc gia và Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Chương trình "CareMe - Yêu lấy mình" giúp khám tầm soát miễn phí bệnh tim mạch, thận và chuyển hóa cho người dân tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Đại diện AstraZeneca cho biết phát triển bền vững cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của công ty, nhằm đảm bảo giải pháp tác động tích cực đến con người và xã hội. Thời gian tới, AstraZeneca hướng tới đồng hành giảm gánh nặng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người và nền y tế, như: giảm số ca nhập viện dẫn đến giảm mức tiêu thụ năng lượng, cải thiện tác động khí hậu; hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu...

Đơn vị tiếp tục đầu tư vào thị trường dược Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước với khoản đầu tư 90 triệu USD giai đoạn 2022-2030. Trước đó, năm 2023, AstraZeneca đã chuyển giao công nghệ sản xuất và quy trình đóng gói cho Công ty Medochemie để sản xuất một số loại dược phẩm tiên tiến của đơn vị tại Việt Nam.

Nội dung: Văn Hà - Thiết kế: Hằng Trịnh
Ảnh: AstraZeneca