Thôn 9 chỉ hơn 350 hộ nhưng dài tới 3 km, rộng 1,5 km nên mỗi lần báo tin cho dân làng biết về sự việc gì, ông Khang lội bộ quanh làng, có ngày cao điểm phải đi vài lần. Để thông tin đến với mọi người dân đầy đủ, ông thường đi rao vào buổi trưa, hoặc sau bữa cơm tối, vì lúc ấy người ta mới có mặt ở nhà. Những lúc cao điểm mùa vụ, nông dân ra đồng, ngư dân ra biển, ông lặn lội ra tận nơi để loan tin cho đảm bảo thời gian họp hành, hiếu, hỉ của dân làng... Thậm chí nửa đêm, có thuyền đánh cá bị sóng biển cuốn trôi, ông cũng vùng dậy đi loan tin để ngư dân đưa thuyền lên cao tránh sóng. Và cứ thế suốt 30 năm, mọi ngõ ngách trong thôn đều trở nên quen thuộc đối với người đàn ông nhỏ bé này.
Bà con trong thôn 9 luôn dành tình cảm yêu mến cho người liên lạc viên của mình. Họ coi ông như ruột thịt. Dù không thể ra khơi theo trai tráng đánh cá, nhưng mỗi khi các thuyền về ai cũng nhớ đến ông Khang. Ông Thương, Trưởng thôn 9 cho biết, vì dân cư phân bố rải rác, không theo quy hoạch, thôn nghèo, xã nghèo, không làm được hệ thống loa truyền thanh nên chính quyền, nhân dân phải nhờ cậy vào ông Khang mới thông báo cho bà con những thông tin kịp thời được”.
30 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, vất vả lại chẳng có tiền thù lao nhưng ông Khang không bận tâm. Bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông cũng không hề phàn nàn: “Gia đình tôi nghèo, nhưng chồng tôi giúp ích được cho xóm làng là tôi cảm thấy ấm lòng lắm rồi, miễn sao trời cho hai chữ Bình Yên”.
Những năm gần đây, cuộc sống dân làng khá lên, thôn đã cấp cho ông 15.000 đồng động viên, gọi là “lương thông tin tháng”. "Song dù chính quyền không trả thù lao thì tôi vẫn làm, được chừng nào hay chừng đó để trả ơn cuộc đời tôi ăn ké, bú nhờ hàng xóm lúc bé cho đến hôm nay”, ông Khang đã giải thích việc làm của mình bằng lời tự sự như vậy.
(Theo Phụ Nữ, 3/1).