Ngày 13/1, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2013. Năm vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số nội dung quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.
Đáng chú ý như quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, giúp việc thi hành kỷ luật trong Đảng đảm bảo sự khách quan, công bằng; quy định giải quyết tố cáo cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; quy định trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Kiểm tra trên 305.000 đảng viên và hơn 63.600 tổ chức đảng, kết quả cho thấy tình hình vi phạm kỷ luật còn phức tạp, nội dung vi phạm nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chiếm trên 30% số người bị kỷ luật.
Đảng viên bị kỷ luật chấp hành không nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng chiếm 36%; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, mất đoàn kết nội bộ chiếm 18%.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nhận định: "Năm 2013, quyết định xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng tăng hơn năm 2012, nguyên nhân là nhờ tập trung xử lý dứt điểm những trường hợp có vi phạm được phát hiện qua kiểm điểm, trong đó có một số trường hợp vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống…".
Nhận định năm 2014 còn nhiều thách thức, ông Lê Hồng Anh đề nghị ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục, giám sát đảng viên; đồng thời kiểm tra, giám sát cán bộ ngay từ khâu quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đến việc chuẩn bị đề án nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2016 - 2021; giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Về thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư khóa XI đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Lê Hồng Anh nhận định kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng lãng phí vẫn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, tác hại và hậu quả không kém nạn tham nhũng.
"Chúng ta cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khi phát hiện các vụ vi phạm phải xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục", ông Anh nói thêm.
Nguyễn Đông