Hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, chiều 25/8, giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết các bác sĩ đang nỗ lực để cứu những bệnh nhân này. Các ca bệnh nặng chủ yếu điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội.
"Không có công thức điều trị chung cho các bệnh nhân, mà mỗi bệnh nhân cần căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh sử dụng thuốc và các chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng", giáo sư Bình, người đứng đầu công tác hội chẩn và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, nói.
Cuộc hội chẩn diễn ra trực tuyến, với các điểm cầu từ Hà Nội và các bệnh viện tại miền Trung.
Các bác sĩ Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang cho biết trong số 131 bệnh nhân đang điều trị tại đây có 10 ca rất nặng, trong đó 5 bệnh nhân nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ xin ý kiến Hội đồng chuyên môn về 5 bệnh nhân này. Cụ thể:
"Bệnh nhân 763", 46 tuổi, suy thận mạn, đã ghép thận từ năm 2012 và dùng thuốc thải ghép. Hiện bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi.
"Bệnh nhân 758", 34 tuổi, suy thận mạn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi, suy kiệt, nguy cơ tử vong gần.
"Bệnh nhân 827", 56 tuổi, tiền sử tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người trái, suy thận mạn.
"Bệnh nhân 888", 65 tuổi, tiền sử thoái hóa cột sống thắt lưng, vào viện khi nôn ra máu, phân đen. Hiện bệnh nhân viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng gia tăng.
"Bệnh nhân 761", 83 tuổi, tiền sử suy thận mạn, điều trị thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ, xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt nặng chỉ có 35 kg.
Ngoài ra, "bệnh nhân 453", 56 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Hòa Vang thở máy liên tục một tháng qua, hiện đã được công bố khỏi Covid-19, song tiên lượng bệnh nền rất nặng. Các chuyên gia đang xem xét chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị bệnh nền.
Về cả 6 ca, tổ hội chẩn đã thảo luận, thống nhất phương án điều trị, sử dụng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân với phương châm nỗ lực tối đa.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 3 bệnh nhân nặng cần hội chẩn. Bác sĩ Trần Thanh Linh, từ Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện phụ trách đơn nguyên hồi sức tích cực, cho biết "bệnh nhân 416" vẫn đang duy trì ECMO, thở máy, hiện xơ phổi rất nhiều. Bệnh nhân đã nằm viện 31 ngày, tiên lượng điều trị lâu dài và khó khăn vì có nhiều bệnh nền, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Hai ca nặng còn lại là "bệnh nhân 742", suy tim, can thiệp ECMO ngày thứ 13, và "bệnh nhân 996", 28 tuổi, mắc bệnh bạch cầu cấp, khó thở tăng nhiều, lọc máu liên tục.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, "bệnh nhân 793", 58 tuổi, cũng đang diễn biến nặng.
Giáo sư Bình đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Cục Quản lý Dược cùng bệnh viện kịp thời nhập khẩu các loại thuốc theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng.