"Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch", Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong phát biểu chiều qua tại cuộc họp chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16.
Thành phố đề ra các việc trọng tâm "sẽ được thực hiện quyết liệt hơn" trong thời gian giãn cách, theo báo cáo của HCDC.
Điều tra, truy vết, khoanh vùng nhanh hơn
Thành phố tổ chức lại, tăng cường nhân sự phụ trách điều tra, truy vết dập dịch theo quy trình 5 bước của thành phố (xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm).
Thành lập 22 Đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội gồm 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo Đội truy vết này cho các địa phương.
Mục tiêu là tăng tốc điều tra dịch tễ, lập danh sách, truy vết các F1 và chuyển cách ly tập trung. Thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh bên cạnh mẫu đơn PCR, lấy kết quả kháng nguyên trong vòng 30 phút và quyết định can thiệp nhanh, không cần chờ kết quả PCR như trước.
Xét nghiệm tầm soát có trọng điểm, tăng công suất
Thành phố lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm.
Hiện nay khả năng lấy mẫu là 1,3 triệu mẫu một ngày. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm để việc tổ chức lấy mẫu tốt hơn, đảm bảo giãn cách.
Công suất xét nghiệm hiện tại là 400.000 mẫu gộp mỗi ngày. Thành phố sẽ phối hợp với doanh nghiệp để tăng lên 1 triệu mẫu mỗi ngày; đảm bảo trả kết quả nhanh hơn và chính xác. Ưu tiên thời gian trả kết quả của các F1, mẫu trong khu cách ly, khu phong tỏa...
Nâng số giường điều trị lên 20.000; số giường cách ly lên 30.000
Các khu cách ly sẽ được mở rộng để có đủ sức chứa 30.000 người diện F1, theo công thức 14 ngày tập trung và 14 ngày theo dõi tại nhà. Đồng thời, thành phố thử nghiệm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đề xuất các giải pháp quản lý người cách ly bằng công nghệ thông tin.
Về điều trị, TP HCM đang triển khai kế hoạch 15.000 giường bệnh, và lên kế hoạch 20.000 giường. Thành phố sẽ tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (trong đó 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức), kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ công tác điều trị.
Y tế thành phố sẽ tính toán cụ thể lượng nhân lực cần thiết để đề nghị trung ương và các tỉnh thành khác hỗ trợ. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế hôm qua cho hay có thể huy động 10.000 nhân viên tế hỗ trợ thành phố chống dịch.
"15 ngày sắp tới là thời điểm quan trọng cho trận chiến chống dịch Covid-19", Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM nhận định. Đây sẽ là lần thứ hai TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ nhằm dập dịch Covid-19 quyết liệt và dứt khoát. Lần đầu tiên diễn ra tháng 4/2020.