Hiện trường vụ án. Ảnh: Giao Thi. |
Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cùng Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Kông Tư làm Phó ban.
9 thành viên khác của Ban là cán bộ hai cơ quan điều tra này. Ban có nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, làm rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức, nhất là của các nhà thầu có liên quan trong việc thực hiện quy trình giám sát, thi công.
Bộ Công an yêu cầu, các lực lượng trong quá trình tác nghiệp phải thu thập đầy đủ các mẫu giám định như kết cấu sắt, thép, mẫu bê tông, hệ thống trụ tạm để phục vụ công tác điều tra.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản đã quyết định cử một đặc phái viên sang tham gia phối hợp điều tra nguyên nhân sự cố cầu Cần Thơ.
Ngày 4/10, tại cuộc họp ngay sau khi từ Pháp trở về, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ do Bộ trưởng Xây dựng là Chủ tịch.
Ủy ban có nhiệm vụ huy động mọi lực lượng triển khai, đề xuất phương án khắc phục sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Sáng 26/9, cầu dây văng Cần Thơ đang thi công bị sập 2 nhịp dẫn. Thảm họa xảy ra khiến 53 người chết, 81 trường hợp bị thương. Thiệt hại vật chất phần cầu sập ước tính khoảng 40 tỷ đồng. Bộ Công an đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về người và của. Ngày 2/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long đã ra khởi tố vụ án điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. |
A.T.