Ngày 28/6, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Văn Đông (Cục trưởng Thú y) nói, dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh; đến nay 3 triệu con lợn nhiễm bệnh ở 60 tỉnh, thành trên cả nước đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm và nguy cơ tiếp tục lây lan các tỉnh còn lại, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Chăn nuôi cho hay, để bù đắp thị phần thịt lợn bị thiếu hụt do dịch, ngành nông nghiệp đang đẩy nhanh tái cơ cấu, tăng thị phần chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); mở rộng quy mô đàn lợn ở những vùng không có dịch, những cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói, dịch tả lợn châu Phi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe doạ đến môi trường. Do vậy, ông đề nghị các đơn vị liên quan cố gắng cao nhất hạn chế thiệt hại, đồng thời cần nhìn lại chiến lược của ngành chăn nuôi sau đợt dịch tả.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, do không có vắcxin, đến nay an toàn sinh học vẫn là giải pháp duy nhất giúp các cơ sở chăn nuôi phòng trách dịch.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị tổ chức hội nghị khoa học để nghe kết quả bước đầu trong nghiên cứu vắcxin phòng chống dịch tả, đồng thời nêu các mô hình an toàn sinh học tiêu biểu", ông nói.
Ngày 27/6, Thủ tướng đã ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi. Theo đó, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi; lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi...
Võ Hải