CP bán cổ phần cho đối tác Hong Kong, Trung Quốc
Cuối tháng 7/2011, Công ty mẹ CPG ở Thái Lan chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ ở công ty chuyên về chăn nuôi - CP Việt Nam (71%) cho Công ty CPP (công ty con, Hong Kông) và Feedmill Business (Trung Quốc). Riêng CP (Thái Lan) chỉ còn nắm 29%.
Thời điểm đó, việc chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Trung Quốc dấy lên lo ngại nguồn nguyên liệu nông sản ở Việt Nam sẽ dễ dàng xuất đi, dẫn tới mất cân đối cung cầu trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo CPG khẳng định, thương vụ này không phải là sự hỗ trợ hay hợp thức hóa cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. CP Việt Nam vẫn tập trung sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước, chứ không có chủ trương gom nguyên liệu xuất sang Trung Quốc sau khi thay đổi cấu trúc cổ đông. Việc chuyển nhượng vốn là để công ty mẹ ở Thái Lan có cơ hội huy động nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất.
C.P cũng từng "nhòm ngó" thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nhưng không thành công trong thương vụ này.
Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1921, hiện là một trong những doanh nghiệp mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công-nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tập đoàn C.P bắt đầu vào Việt Nam năm 1988 với văn phòng đại diện tại TP HCM. Năm 1993, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH chăn nuôi C.P Việt Nam, có trụ sở chính tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2. Năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV).
Trong năm 2013, dù giá thịt giảm và dịch bệnh ở tôm, nhưng doanh thu C.P Việt nam vẫn tăng 18,3% so với 2012, đạt 1,8 tỷ USD. Trong đó mảng thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% doanh thu của C.P Việt Nam, mảng trang trại và thực phẩm chiếm 53,4%.
SCG mua lại Prime
Sau 2 năm đàn phán, cuối tháng 12/2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Đây cũng chính là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay.
Ngày 15/4/2013, SCG đã chính thức tiếp quản toàn bộ tập đoàn Prime Group. Dự án tại Khu công nghiệp Bình Xuyên là dấu ấn đầu tiên ghi tên tuổi SCG trong ngành vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam, với số vốn 239,6 triệu USD.
Sau hơn một năm tiếp quản, báo cáo quý II của tập đoàn này cho thấy, doanh thu của SCG tại Việt Nam tăng 19% so với cùng kỳ, chủ yếu từ hoạt động bán hàng của Prime. Lũy kế, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của SCG tại Việt Nam đạt 6.178 tỷ đồng, tương đương 294 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch SCG cho biết, tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đẩy nhanh các dự án trong khu vực Đông Nam Á, như nhà máy xi măng ở Indonesia, Campuchia, Myanmar, Lào, cũng như khu phức hợp hóa chất tại Việt Nam. Hiện SCG có 19 công ty đang hoạt động tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 604 triệu USD.
Tập đoàn SCG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, ximăng, vật liệu xây dựng và phân phối.
BJC mua lại Metro
Đầu tháng 8/2014, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ tại Việt Nam.
Đại diện của tập đoàn này cho biết đến năm 2015 thương vụ sẽ hoàn tất. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD) sẽ do BJC quản lý.
Năm ngoái, đại gia này cũng đã gây tiếng vang khi mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart. Trước đó, trên thị trường Việt, cái tên BJC đã được nhắc đến với nhiều sự kiện quan trọng khác, như việc đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chai lọ thủy tinh O-L BJC, hay bỏ ra hàng triệu USD để mua lại một hãng chuyên sản xuất đậu phụ ở miền Bắc.
Với những thương vụ đình đám trên cho thấy cho thấy tham vọng bành trướng tại thị trường Việt Nam của BJC khi tập đoàn này tham gia 4 mảng lớn là sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, việc mua lại Metro là một trong những thương vụ lớn nhất của hãng tại thị trường Việt. Nhiều người cũng đang đặt ra thắc mắc liệu sau khi mua lại một hệ thống mà 12 năm liền liên tục báo lỗ, BJC có làm nên chuyện?
BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính, gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.
Hồng Châu