Các nhà nghiên cứu giải thích bên cạnh gene di truyền, chế độ ăn uống và các thói quen hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến ung thư ngày càng trẻ hóa. Họ cũng đề cao tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống, từ đó phòng tránh ung thư và nhiều bệnh mạn tính.
Giới chuyên gia chỉ ra một số thói quen xấu, làm tăng tỷ lệ mắc những bệnh ung thư cụ thể, như sau:
Ăn tối muộn
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Tây Ban Nha, công bố trên International Journal of Cancer năm 2018, người ăn sau 22h hoặc ngủ ngay sau khi ăn có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 20% so với nhóm ăn sớm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi người mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và một nhóm đối chứng ngẫu nhiên hơn 2.000 người không bị ung thư. Họ phát hiện khoảng thời gian giữa bữa ăn cuối cùng và giờ đi ngủ càng dài, nguy cơ ung thư càng thấp.
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đó của Viện Ung thư Dana-Farber. Các nhà khoa học đã phát hiện ăn uống theo đồng hồ sinh học của cơ thể (từ 17h đến 20h) có thể giúp giảm nguy cơ mắc và tái phát ung thư.
Theo Norihiro Sato, bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia ung thư người Nhật Bản, ăn tối muộn làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nhất là ung thư dạ dày. Thói quen này còn dễ gây béo phì, rối loạn nhịp sinh học, suy giảm hệ miễn dịch, là các yếu tố gây ung thư.
Uống đồ uống quá nóng
Theo nghiên cứu công bố trên The Lancet Oncology, uống trà nóng hơn bình thường (khoảng 70°C) làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho biết uống chất lỏng quá nóng có thể làm tổn thương nhiệt và hóa học với các niêm mạch thực quản.
Trước đó, trong báo cáo năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định tiêu thụ các đồ uống nóng như cà phê có thể làm hỏng lớp niêm mạc của ống dẫn thực quản thức ăn (biểu mô thực quản).
Tiến sĩ Parag Dashatwar, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và gan, cho biết nhiệt độ an toàn của các loại đồ nóng là dưới 60-65 độ C. Tuy nhiên, ông cũng nhận định trà và cà phê nóng không phải nguyên nhân duy nhất gây ung thư. Các độc tố môi trường như ô nhiễm, thói quen sinh hoạt, rượu bia, chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn và thiếu vệ sinh cá nhân cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Ăn nhiều carbohydrate tinh chế
Carbohydrate có thể là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, carbohydrate tinh chế đã bị loại bỏ chất xơ và hàm lượng dinh dưỡng. Hợp chất này dễ tiêu hóa, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Trong khi đó, chất xơ đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa một số loại ung thư.
Ăn chế độ giàu carbohydrate tinh chế có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Carbohydrate tinh chế bao gồm các loại thực phẩm như bánh mì trắng, gạo trắng, các loại bánh ngọt.
Bạn có thể giảm tiêu thụ carbs tinh chế bằng cách thay thế chúng bằng carbs phức hợp. Các chuyên gia khuyến nghị lựa chọn gạo lứt thay vì gạo trắng, ăn bột yến mạch thay vì các loại ngũ cốc tiện lợi và ngon miệng vào buổi sáng.
Thục Linh (Theo Yahoo News, Southern Living, India TV News)