Thứ tư, 17/4/2024
Thứ tư, 16/5/2018, 11:44 (GMT+7)

3 thập niên cô độc trên hoang đảo của Robinson ngoài đời thực

Con thuyền buồm hỏng đưa Mauro Morandi dạt vào bờ hòn đảo Budelli gần 30 năm trước, từ đó ông không bao giờ rời khỏi nơi này.

29 năm qua, hàng ngày Mauro Morandi đều thức dậy khi vầng mặt trời dát vàng mặt biển Địa Trung Hải. Đó là một khung cảnh không bao giờ đổi thay theo năm tháng, thứ mà ông Morandi không chia sẻ cùng ai. Morandi thường tản bộ dọc những bờ đá của hòn đảo Budelli, nhìn ngắm mặt biển với cảm giác mình bé nhỏ trước những thế lực ma quái đang vặn xoắn từng con sóng lúc triều lên.

Năm 1989, Morandi rời Italy, giương buồm ra khơi với ý niệm thoát khỏi xã hội hiện đại và làm lại cuộc đời. Tới dải nước giữa đảo Sardinia và Corsica, con thuyền của ông tê liệt khi động cơ chết đứng, mỏ neo trôi đi mất. Từng con sóng đưa thuyền ông dạt vào bờ Budelli, nơi ông biết tin những người coi sóc hòn đảo vừa về hưu hai ngày trước. Morandi không bỏ lỡ cơ hội mua lại lãnh địa này làm vương quốc của riêng mình.

Vườn quốc gia trên quần đảo Maddalena có 7 hòn đảo, Budelli được coi là viên ngọc đẹp nhất trong số đó với bãi biển hồng Spiaggia Rosa. Bờ cát màu hoa hồng thêm phần sặc sỡ với hàng nghìn mảnh san hô, vỏ sò, vỏ ốc... do sóng đánh vào.

Từ đầu thập niên 90, Spiaggia Rosa được chính phủ Italy đánh giá là nơi có "giá trị thiên nhiên cao". Nơi này phải đóng cửa để bảo tồn hệ sinh thái dễ tổn thương, chỉ còn vài nơi mở cho khách tham quan. Hòn đảo dần dần đi từ vị thế điểm đến đón hàng nghìn khách mỗi ngày tới mức chỉ còn một trái tim lưu lại - Morandi.

Robinson
 
 

Morandi trở thành người gác đảo, điều hành để gìn giữ Budelli và ngăn khách tìm đến đây. Ông sống trong căn nhà tạm của người tiền nhiệm. Video: Sardinia Island.

"Những năm đầu tiên thực sự khó khăn. Tôi không muốn trò chuyện với ai đến đây để tham quan bãi biển hồng, và thích tận hưởng vẻ đẹp này một mình", ông trải lòng.

Nhiều năm trôi qua, Morandi dần cảm thấy mình ích kỷ và muốn chia sẻ với cả thế giới cảnh quan thiên nhiên đẹp bậc nhất này. Ông tin rằng chỉ khi nhận thức được vẻ đẹp của hòn đảo, xã hội mới có thể cứu nó khỏi cảnh bị phá hoại, phương thức này hiệu quả hơn bất cứ biện pháp khoa học nào.

Ông bắt đầu mở tour, trò chuyện với khách vào những tháng hè. Ông đặc biệt nỗ lực để giao tiếp với lũ trẻ: "Tôi muốn người ta hiểu rằng chúng ta cần cố gắng để không chỉ nhìn vào một điều đẹp đẽ, mà phải cảm nhận nó với đôi mắt nhắm nghiền".

Những ngày mùa đông, Budelli càng thơ mộng hơn. Morandi sẽ phải trả qua 20 ngày không liên lạc với ai. Ông thấy khuây khỏa khi trầm tư trong yên tĩnh, và thường ngồi trên bãi biển chẳng làm gì ngoài lắng nghe tiếng sóng vỗ, gió reo giữa không gian lặng như tờ.

"Như thể tôi đang bị giam cầm nơi đây, nhưng là một nhà tù tôi tự chọn cho mình", Morandi nói trên CNN.

Ông lão tuổi thất tuần thường giết thời gian với nhiều thú vui. Ông biến những khúc gỗ bách xù thành các tác phẩm điêu khắc, làm nổi lên hình dáng, gương mặt ẩn sâu trong chúng. Morandi bán những tác phẩm nghệ thuật của mình để quyên góp tiền cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận từ châu Phi tới Tây Tạng.

Ông thiền định và nghiền ngẫm sách của những nhà triết học, thần đồng văn chương Hy Lạp. Ông chụp ảnh, ngất ngây với khung cảnh biến đổi từ giờ này sang giờ khác, từ mùa này sang mùa khác.

Đây không phải thói quen bất thường của người dành nhiều thời gian một mình. Các nhà khoa học từ lâu đã khẳng định rằng sự cô đơn khiến con người sáng tạo hơn, với minh chứng về trường hợp của hàng loạt nghệ sĩ, nhà thơ, triết gia... làm nên những tác phẩm vĩ đại nhất khi sống tách biệt với xã hội, theo National Geographic.

"Tôi chẳng bao giờ thấy cô đơn, vì tôi ổn khi có một mình", Morandi khẳng định.

Trong gần ba thập niên sống trên đảo, Morandi chưa từng bị ốm. Ông cho rằng mình đạt được thể trạng này nhờ bộ gene tốt. 

Tuy tách biệt với thế giới thực, Morandi vẫn kết nối với cộng đồng mạng từ khi chính quyền lắp đặt wifi trên đảo, giúp ông chia sẻ những bức ảnh và thông tin mới nhất về Budelli trên mạng xã hội.

Hiện tài khoản Instagram @maurodabudelli của "chúa đảo" này thu hút hơn 16.500 lượt theo dõi. "Tôi nghĩ những bức ảnh trên Google Maps của tôi được xem gần 600.000 lượt rồi", ông tiết lộ.

Gia đình Morandi đều ở Italy, nhưng ông nguyện sẽ gắn bó với Budelli suốt phần đời còn lại. Quyết định không nằm trong tay ông từ năm 2016, chính phủ Italy tiếp quản Budelli và có khả năng ông không còn quyền sống trên đảo. Song một văn bản phản đối quyết định này thu hút hơn 18.000 chữ ký, giúp Morandi yên vị trên đảo.

Trong ảnh, Morandi đang ngắm nhìn hoàng hôn - thời điểm yêu thích trong ngày của ông khi thế giới trở nên tĩnh lặng. "Chúng ta nghĩ mình là siêu nhân, những sinh vật vượt trội, nhưng theo tôi chúng ta thực sự chẳng là gì cả. Chúng ta phải thích nghi với thiên nhiên", ông bày tỏ.

Ảnh: Michele Ardu

Phạm Huyền

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net