Từ một nơi tổn thất nặng nề nhất do Covid-19, TP HCM khi "mở cửa" được xem như "cuộc thử nghiệm" để tìm cách thích ứng hiệu quả, an toàn, sống chung với virus.
"Không phải ngay sau 30/9 thành phố sẽ mở cửa ồ ạt tất cả hoạt động mà mở có lộ trình, từng bước đưa sinh hoạt người dân về trạng thái bình thường mới", lãnh đạo TP HCM nói khi công bố thời gian hồi phục giữa những luồng ý kiến thúc giục và cả hoài nghi, lo sợ.
Ngay trước thời điểm 1/10, hàng ngày, TP HCM vẫn là nơi ghi nhận số người tử vong cao nhất nước với hơn 100 ca. Số nhiễm mới trên dưới 5.000, chiếm gần 50% tổng nhiễm cả nước.
Sau tháng đầu tiên "bình thường mới", các chỉ số theo dõi dịch bệnh đều giảm sâu, nhất là tử vong xuống hai con số. Song từ cuối tháng 11 các số liệu này xu hướng tăng trở lại. Số mắc mới có ngày ghi nhận gần 2.000 ca; số nhập viện cao hơn xuất viện, ca nặng tăng và nhất là tử vong có hôm gần 100.
Tuy nhiên, trong 10 ngày cuối tháng 12, công tác chống dịch của TP HCM ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Số nhiễm, bệnh nặng, tử vong được công bố đều giảm đáng kể, số ca xuất viện cao hơn nhập viện. Tử vong có ngày giảm còn 30, dù đây vẫn là con số cao nhất cả nước.
Số ca tử vong và ca nặng theo ngày
Tình hình nhiễm tại các quận, huyện
Nói về tình hình dịch của TP HCM hiện nay, PGS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP HCM cho rằng, số ca mắc mới đang xu hướng giảm, đương nhiên
số tử vong giảm theo.
"Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy chống dịch của thành phố đã đi đúng hướng", ông Dũng nói, nhắc đến việc thành phố lập chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Chiến dịch gồm các hoạt động chính như đưa người trên 65 tuổi, người bệnh nền vào diện theo dõi, tập trung điều trị sớm, đồng thời đến từng nhà để vận động chích ngừa.
Trước giai đoạn mở cửa, thành phố đã đạt mục tiêu phủ đủ vaccine cho hơn 90% dân số trên 18 tuổi. Nhưng ngay cả khi tiến hành một trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất nước, TP HCM vẫn còn nhiều người trong nhóm nguy cơ cao chưa tiêm. Đây là lỗ hổng lớn trước biến chủng dễ lây nhiễm và "khôn ngoan" như Delta, khiến con số tử vong của thành phố còn cao.
"Chiến dịch này là một trong những nguyên nhân giúp số ca mắc mới và tử vong giảm", ông Dũng nêu. "Đồng thời thái độ người dân sau thời gian đầu chủ quan vì vừa hết giãn cách, giờ đây tuân thủ phòng dịch tốt hơn".
Ông Dũng cũng nhắc đến những vấn đề các chuyên gia từng quan ngại hiện đã được khắc phục. "Vừa qua, thành phố đã tập trung tổ chức lại các cơ sở điều trị nên tình trạng các bệnh viện tuyến dưới không quá tải. Nhờ đó, việc nhập viện của F0 không còn khó khăn như những tuần trước", ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khi nói về việc điều trị cũng yêu cầu hệ thống y tế cần "chăm sóc kỹ, quan tâm đặc biệt các F0", cấp phát ngay thuốc khi phát hiện sẽ giúp "kéo giảm tỷ lệ nguy cơ nặng, tử vong".
"Làm được vậy, dù lây nhiễm cỡ nào thành phố cũng chủ động được. Nếu không, chúng ta còn gặp khó khăn", ông Nên nói.
Đánh giá về nguy cơ trong tình hình mới, nhất là khi biến chủng Omicron xuất hiện ở Việt Nam, chuyên gia Đỗ Văn Dũng cho rằng, người dân vẫn nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc kiềm chế sự gia tăng ca mắc mới.
"Dù khả năng gây chuyển nặng và tử vong của chủng Omicron thấp nhưng nếu để nó lây lan nhanh vẫn có thể gây quá tải cho hệ thống y tế và tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao", ông Dũng cảnh báo.
Ông cũng cho rằng những biện pháp hạn chế học sinh đến trường dai dẳng sẽ làm tổn hại việc học tập cũng như ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của trẻ. Nửa tháng qua, TP HCM thí điểm cho gần 150.000 học sinh lớp 9 và 12 đến trường, ghi nhận 60 F0.
"Khi đã xác định sống chung với dịch thì chắc chắn những ca lẻ tẻ sẽ xuất hiện nhưng cũng từ đó sẽ rút ra được cách xử trí", ông Dũng nêu.
Cũng nói về tâm thế đối phó với diễn biến dịch thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong giai đoạn này, mỗi người đều phải thay đổi tư duy, thói quen để thích ứng.
"Tết năm nay, nếu như chúng ta không muốn phục hồi các biện pháp giãn cách căng thẳng như trước, chỉ có một cách là củng cố nội lực", ông Nên nói.