Nếu không có ranh giới, những hiểu lầm không nói ra và những khác biệt không lường trước có thể phát triển thành nghiêm trọng.
Sau đây là ba ranh giới mà nhà tâm lý học người Mỹ, tiến sĩ Mark Travers cho rằng cần thiết phải đặt ra trước khi bạn và đối tác tiến tới mối quan hệ nghiêm túc:
Kỳ vọng ở tương lai
Nhiều người cho rằng bàn chuyện tương lai của mối quan hệ khi nó vừa chớm là không nên, nhưng theo tiến sĩ Mark Travers, cần nói sớm để giảm bớt những đau khổ và phòng rủi ro.
Dù có thể hơi sớm khi nói về các mục tiêu dài hạn và kế hoạch cuộc sống, nhưng giải quyết vấn đề này ngay khi có thể để biết rõ bạn và đối tác có cùng quan điểm không.
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Tâm lý học thực nghiệm, cho thấy sự hài lòng trong các mối quan hệ lãng mạn không chỉ bị ảnh hưởng bởi hạnh phúc hiện tại mà còn bởi một số chỉ số về sự hài lòng trong tương lai.
Nếu hai người không cùng quan điểm về hy vọng và ước mơ cho tương lai, bạn có thể gây căng thẳng khi cố gắng tiếp tục. Việc thỏa hiệp về những mong cầu trong tương lại như hôn nhân, con cái, nơi ở, trong khi mình không thoải mái, có thể khiến sau này chỉ một người thấy hài lòng.
Nhu cầu tình dục
Tình dục có thể tạo nên hạnh phúc hoặc phá vỡ một mối quan hệ. Đó là một trong những biểu hiện của sự thân mật và quan trọng hơn, còn là sự tươi vui.
Tuy nhiên, nếu hai người có nhu cầu và mong muốn khác nhau về mức độ quan hệ tình dục thì không bên nào thực sự được thỏa mãn. Nên thống nhất để đảm bảo nhu cầu của cả hai người được đáp ứng, giúp duy trì mối quan hệ thân mật và trọn vẹn.
Nghiên cứu năm 2016 của tạp chí Tâm lý gia đình nhấn mạnh điểm này. Các nhà nghiên cứu phát hiện, với cả hai giới, khi yêu mà đối tác thỏa mãn tình dục thì khả năng họ sẽ thấy thỏa mãn sau khi kết hôn.
Vì vậy, nếu không trò chuyện về nhu cầu và ham muốn tình dục của bạn, bạn đời sẽ không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng này. Bạn cũng không thể đáp ứng được kỳ vọng của đối phương. Nếu không có cuộc thảo luận này, tình dục có thể mất ý nghĩa, gây hậu quả cho hôn nhân.
Sự tham gia của gia đình
Cần xác định mối quan hệ lãng mạn không thể tồn tại tách biệt với các mối quan hệ khác trong cuộc sống, đặc biệt là mối quan hệ với gia đình - thứ có thể xây hoặc phá một mối quan hệ khác. Do đó, cần thảo luận về ranh giới mà mỗi người cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ với gia đình
Một nghiên cứu năm 2010 của tạp chí Trị liệu gia đình Mỹ cho hay, người bạn đời có mối quan hệ tốt với gia đình ruột thịt (gồm cha mẹ và anh chị em) hoặc người hoàn toàn chấp nhận những điều không vui về người thân có mức độ hài lòng về mối quan hệ tốt hơn. Ngược lại, những người có trải nghiệm không lành mạnh hoặc chưa giải quyết được khúc mắc với người thân có mức độ hài lòng với mối quan hệ thấp.
Nếu bạn và bạn đời khác nhau về mức độ gần gũi với gia đình của mỗi bên, cũng như mức độ muốn chia sẻ cuộc sống của mình với họ, cảm giác ngột ngạt, ghen tị có thể nảy sinh.
Vì vậy, thiết lập ranh giới ngay từ đầu về mức độ tham gia của người thân trong mối quan hệ của bạn cần được thực hiện trước khi kết hôn.
Cả hai cần thống nhất tần suất thăm viếng và đi chơi, thông tin nào được giữ riêng tư, thông tin nào được chia sẻ và mức độ tham gia của các thành viên gia đình vào chuyện của vợ chồng bạn.
Nhật Minh (Theo psychologytoday)