Trong số 3 ấn phẩm mới này, có hai cuốn sách viết về thế giới truyền thông, tin tức, sự kiện. Ở cuốn Một nền báo chí phẳng, nhà báo Đỗ Đình Tấn diễn tả được toàn bộ bức tranh của báo chí chống tiêu cực của Việt Nam. Từ những phân tích trong sách, có thể thấy, báo chí chống tiêu cực ở Việt Nam đi theo con đường hoàn toàn trùng khớp với những xu hướng của báo chí điều tra trên thế giới. Sách cũng đề cập những giải pháp cho mối quan hệ: "người đọc - báo chí - chính quyền" được phân tích kỹ và có giá trị ứng dụng ở Việt Nam.
Tác giả cũng trình bày mối tương đồng giữa báo chí Việt Nam và thế giới thông qua những định nghĩa mới về làm báo như: Báo chí cộng đồng, báo chí công dân... Dẫn lời các chuyên gia báo chí hàng đầu của thế giới, tác giả chứng minh rằng báo chí sẽ không chết. Nó chỉ đang đi tìm một phương thức tồn tại mới trong môi trường mà độc giả vĩnh viễn không còn là người đọc thụ động.
Trong ấn phẩm Viết tin, bài đăng báo, nhà báo Ngọc Trân tập trung vào các kỹ năng săn tin, viết lách của một người tham gia công việc viết báo: Làm như thế nào để săn tin chính xác, viết súc tích và suy nghĩ một cách mạch lạc, cách viết chạy đua với kim đồng hồ, viết và vẫn phải quan tâm đến những vấn đề đạo đức, chính trị, cùng nhiều vấn đề khác...
Tác giả có thể làm những bạn viết văn hay "vỡ mộng", khi phân tích viết báo khác viết văn như thế nào. Cái khác cơ bản nhất là nhà báo không được hư cấu cho tác phẩm báo chí của họ. Giống như nhà văn, nhà báo là người hành nghề viết lách, chuyên nghiệp trong cách dùng từ, câu, hình ảnh; trong kể chuyện, dựng cảnh và xây dựng các đoạn hội thoại. Đương nhiên, họ có thể học hỏi nhiều điều từ các nhà văn tài năng, và ngược lại. Tuy nhiên, văn chương là nghệ thuật thể hiện. Còn báo chí là nghệ thuật giao tiếp.
Nhà báo Ngọc Trân từng xuất bản các cuốn sách dành cho nghề báo như: Khám phá nghề biên tập (2013), Kinh tế học Ồ quá dễ (2014). Dự kiến, trong năm nay anh tiếp tục có thêm quyển Viết lách dành cho mọi người. Anh cũng đang biên soạn quyển Phóng sự - điều tra báo chí, Nhiếp ảnh và xử lý ảnh báo chí (cùng phóng viên ảnh Hoàng Thạch Vân).
Riêng nhà báo Lê Văn Nghĩa lại ra mắt cuốn truyện dài dành cho thiếu nhi với tên sách dài kỷ lục: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.
Năm ấy là gần 40 năm về trước ở Sài Gòn. Vì thế, lứa tuổi trung niên miền Nam đọc lại sách cũng như xem một cuốn phim về thời thơ ấu của mình. Sài Gòn thập niên 1960, câu chuyện của cậu bé lớp nhất (lớp 5 ngày nay) với những con người bình dân sống bươn chải, loáng loáng cuộc đời như những thước phim đen trắng đầy vết xước trong hoài niệm của tác giả ở truyện dài này. Những trò chơi, lối nói trại hay những câu nói đùa, cách xã giao quen thuộc, không khí của một thời... tất cả được nhắc nhớ bằng câu chuyện của lũ trẻ con một xóm nhỏ bên rìa thành phố.
Không chỉ là kỷ niệm qua cách viết đặc sệt giọng Nam Bộ, dí dỏm, quyến rũ, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy còn là một cuốn sách về những tình bạn vô tư, hồn nhiên và đầy ấm áp, và cả những bài học về những điều tốt đẹp ở đời.
Bạch Tiên