Thứ tư, 20/1/2021, 07:37 (GMT+7)

Bạn có thể tận hưởng cuộc sống qua trải nghiệm săn mây, thưởng trà, tắm suối khoáng nóng và khám phá ẩm thực.

Sơn La nằm ở khu vực Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300 km. Ngoài thị trấn Mộc Châu, tỉnh còn nhiều điểm đến như Tà Xùa, đồi Pu Nhi, nơi du khách có thể sống chậm và tìm hiểu về nếp sống của người dân tộc bản địa. Dưới đây là những địa điểm và trải nghiệm gợi ý cho hành trình 3 ngày 2 đêm.

✰ ĐIỂM THAM QUAN ✰

ĐỒI THÔNG PU NHI FARM

Pu Nhi Farm thuộc bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, thị trấn Bắc Yên. Nằm trên đỉnh đồi Pu Nhi, nơi đây có không gian thoáng đãng, bạn có thể phóng tầm mắt qua thung lũng và các ngọn núi xung quanh.

Nhiều người ví nơi đây như "Đà Lạt thu nhỏ" với cây thông cô đơn, nhà gỗ trên đồi...

Đây là điểm phù hợp để cắm trại, tổ chức tiệc BBQ vào cuối tuần, giá thuê chòi để ngồi ăn uống là 200.000 đồng. Nếu chỉ đến chụp ảnh, vé vào cửa là 15.000 đồng một người. Nếu muốn ở lại qua đêm, khách có thể thuê phòng bungalow với giá 600.000 đồng một đêm.

ĐỈNH GIÓ, CÂY TÁO MÈO CÔ ĐƠN

Một trong những điểm đón hoàng hôn đẹp nhất ở Tà Xùa là đỉnh Gió, nơi có gốc táo mèo cô đơn. Gọi là "cây táo mèo cô đơn" bởi ở đây chỉ có duy nhất một cây đứng sừng sững giữa trời mây, tán kết tròn trông như một cây nấm khổng lồ. Đỉnh Gió cách trung tâm Tà Xùa khoảng 1 km, vào ngày trời đẹp, từ đỉnh có thể nhìn thấy đồi núi và thung lũng trập trùng.

VƯỜN CHÈ CỔ THỤ BẢN BẸ

Chè cổ thụ là đặc sản nổi tiếng của Tà Xùa và là nguồn thu chính của nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây. Hiện ở bản Bẹ có quần thể 200 cây chè shan tuyết được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Cây lâu năm nhất có tuổi đời là 280 năm, cây ít năm cũng trên 100 năm tuổi. Để có thể hái được những búp chè non xanh, người hái phải trèo lên cây, có những cây có tới 4, 5 người cùng lên một lúc. Đến vườn, bạn có thể xem phương pháp sao chè truyền thống của người dân địa phương. Giữa tiết trời lạnh, mây mù, thưởng thức một tách chè shan tuyết ấm nóng là trải nghiệm không nên bỏ qua. Nếu muốn mua chè về làm quà, hiện giá chè khô dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/ kg, chè tươi có giá 40.000 – 70.000 đồng/ kg.

SỐNG LƯNG KHỦNG LONG

Khu vực "sống lưng khủng long" cách trung tâm xã Tà Xùa khoảng 15 km. Đoạn đường này khá hiểm trở, đặc biệt vào những ngày sương mù nên cần có tay lái chắc. Tới đây, bạn sẽ thấy con đường mòn nhỏ trên đỉnh núi cao hơn 1.500 m. Chỗ nhô cao, chỗ xuống thấp, hai bên là sườn dốc đứng và cây cối xanh ngắt nên cái tên "sống lưng khủng long" được đặt dựa theo hình dáng của cung đường này.

Di chuyển hết đường mòn khoảng hơn 1 km, bạn có thể chọn đi bộ hoặc thuê xe ôm. Cuối đường có một mô đất để du khách check-in, ngắm nhìn núi rừng, trời mây. Mùa mây đẹp nhất từ tháng 10 đến khoảng tháng 4 năm sau, tuy nhiên không phải hôm nào du khách cũng có thể săn được mây, mà còn phụ thuộc thời tiết. Để săn được mây, bạn nên có mặt tại đây vào khoảng 5h để đón ánh mặt trời đầu tiên vừa ló dạng.

Ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái có một "sống lưng khủng long" Tà Xùa khác dành cho du khách trekking.

BẢN TÀ XÙA

Đến các bản làng, trò chuyện với người dân tộc là cách tốt nhất để bạn hiểu hơn về nơi bạn ghé thăm. Hầu hết nhà người Mông ở Tà Xùa vẫn giữ được vẹn nguyên nét hoang sơ. Vì ở vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt nên họ sử dụng nhà trệt, mái thấp, lợp gỗ. Bên trong nhà dùng bếp lửa, giá phơi ngô, có ban thờ theo phong tục người Mông,... Nếu đến đây vào thời gian này, bạn sẽ được xem cách người Mông đón Tết, thời gian vào khoảng đầu tháng Chạp âm lịch. Đây cũng là lúc hoa đào bắt đầu nở khắp dọc đường vào các bản. Một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân nơi đây là bánh dày tròn, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất.

NHÀ TÙ SƠN LA

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thành phố Sơn La. Nhà tù được xây dựng từ năm 1908, sau đó tiếp tục được mở rộng vào những năm 1930 - 1940. Tổng diện tích qua ba lần mở rộng là 2.184 m2.

Nhà tù kiên cố, tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Lối thiết kế đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. Trải qua 2 lần bị tàn phá bằng bom, Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn, những bức tường nhà ngục chỉ còn lại phần đổ nát.

Bạn nên đăng ký thuyết minh để hiểu hơn về lịch sử và di tích, vé vào cổng là 30.000 đồng một người lớn và 5.000 đồng cho trẻ em.

NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SƠN LA

Nhà máy được xây dựng vào năm 2006, nằm trên sông Đà tại xã Ít Ong, huyện Mường La. Đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy được thiết kế kiểu hở, nằm sau thân đập. Giai đoạn thi công cao điểm huy động tới 13 nghìn người. Để thi công nhà máy, hơn 20.000 hộ dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di dời.

SUỐI KHOÁNG NÓNG NGỌC CHIẾN

Cách trung tâm thành phố Sơn La gần 80 km, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La nổi tiếng với những nguồn suối khoáng nóng tự nhiên. Ở đây có dân tộc Thái, Mông, La Ha,... sinh sống, trong đó người Thái chiếm đa số. Người dân ở Ngọc Chiến không biết suối khoáng nóng ở bản có từ khi nào, chỉ biết là nguồn suối nóng gắn liền với cuộc sống từ khi sinh ra. Họ vẫn có truyền thống tắm khoáng nóng tại bể công cộng lộ thiên hàng ngày, một nét văn hóa đặc biệt thu hút nhiều du khách tại đây.

Nhiệt độ trung bình của nước từ 35 độ C đến 50 độ C, có điểm lên tới 70 độ C. Đi dạo trong bản, bạn sẽ thấy hơi nóng bốc lên nghi ngút từ các mặt bể. Bạn có thể đến bản Lướt (có nghĩa là khoáng nóng trong tiếng Thái) để trải nghiệm tắm khoáng nóng với giá 10.000 đồng một người, nếu thuê thêm quần áo, khăn tắm, chi phí từ 20.000 - 30.000 đồng.

Bên cạnh suối khoáng nóng, Ngọc Chiến còn mang vẻ đẹp bình yên với những ngôi nhà sàn lợp gỗ pơ mu, thiên nhiên cây cối và sự hiếu khách của những người dân tộc. Hãy thử đi dạo trong bản, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ bởi mọi người sẽ chào và nở một nụ cười với bạn.

≋ KHÁM PHÁ ẨM THỰC ≋

Ngoài những trải nghiệm trên, các món ăn mang đặc trưng của vùng Tây Bắc cũng là điều để lại ấn tượng trong lòng du khách. Bạn sẽ thấy một gia vị chấm luôn xuất hiện trong các bữa ăn là chẳm chéo. Đây được coi là "linh hồn" của ẩm thực vùng Tây Bắc, mang mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở vùng này. Chẳm chéo sử dụng các nguyên liệu quen thuộc như tỏi, ớt tươi, rau mùi, muối, đường... và hạt mắc khén. Tất cả được giã nhuyễn, sau đó trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt, mang hương vị khiến du khách nhớ mãi.

Với món chính, những đặc sản nên thử là gà nướng, thịt dê, canh chua vón vén, nộm da trâu, nậm pịa, xôi nếp nương, thịt trâu gác bếp...

LỊCH TRÌNH 3 NGÀY 2 ĐÊM

Ngày 1: Hà Nội - Bắc Yên - Tà Xùa

Xuất phát từ Hà Nội

Đến huyện Bắc Yên, thăm đồi thông Pu Nhi

Check-in vườn chè bản Bẹ (xã Tà Xùa), đỉnh Gió, cây táo cô đơn

Giao lưu văn nghệ, lửa trại cùng người địa phương

Ngày 2: Tà Xùa - TP. Sơn La - Mường La - Ngọc Chiến

Săn mây ở sống lưng khủng long (xã Háng Đồng)

Tìm hiểu truyền thống của dân tộc Mông ở bản Tà Xùa

Tham quan Nhà tù Sơn La

Thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La (huyện Mường La)

Đến xã Ngọc Chiến, xem dân tộc Thái biểu diễn hát then ở (huyện Mường La)

Tắm suối khoáng nóng

Ngày 3: Ngọc Chiến - Hà Nội

Tắm suối khoáng nóng

Tham quan bản làng, các nghề truyền thống, check-in cây samu cổ thụ

Về Hà Nội

♢ LƯU Ý ♢

Thời tiết Sơn La mùa đông khá lạnh, ngày và đêm nhiệt chênh lệch từ 8 đến 10 độ C, đặc biệt ở khu vực huyện Bắc Yên. Bạn nên mang theo quần áo đủ ấm và chuẩn bị tất, mũ len, găng tay, thuốc chống côn trùng... mang theo đồ bơi nếu muốn tắm suối khoáng nóng. Đừng quên giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Ngân Dương

Hưởng ứng chương trình "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cùng UBND tỉnh Sơn La, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La tổ chức chương trình khảo sát Du lịch Sơn La.

Chương trình có sự tham gia của khoảng 50 đại điện các công ty dịch vụ du lịch, với mục đích cung cấp các sản phẩm hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững.