Tết bây giờ đối với tôi là cái gì đó xa lạ, buồn và nuối tiếc. Đây là năm thứ ba tôi không về nhà đồng nghĩa là không có Tết. Tôi không bận làm gì cũng không có dự định đi đâu. Những ngày giáp Tết mọi người háo hức xếp hàng mua vé xe, sắm sửa quần áo, quà bánh hối hả rủ nhau về quê thì tôi co ro dưới cái se lạnh trong căn phòng trọ tồi tàn, chật hẹp, rầu rĩ gặm nhấm những nỗi buồn của hiện tại và nỗi đau trong quá khứ cứ dày vò tâm can.

Tết đối với mọi người là dịp sum vầy, là những ngày nghỉ, vui chơi, thăm thú họ hàng, anh em đoàn tụ, bạn bè gặp mặt nhưng Tết đối với tôi luôn là những ngày tháng mệt mỏi, chán nản và cô đơn nhất. Tối 30 người ta cười nói vui vẻ bên mâm cơm gia đình thì tôi thu mình trong chiếc chăn bông nơi quê người.
Nhớ ngày bé, khi gia đình tôi còn vui vẻ hạnh phúc, lúc nào tôi cũng mong đến Tết, Tết được nghỉ học, được đi chơi, được mẹ may cho quần áo mới, được xem mọi người mổ lợn gói giò. Năm nào nhà tôi cũng gói mấy chục chiếc bánh trưng, lần nào tôi cũng bắt bố gói cho một cái nhỏ nhiều đỗ nhiều thịt để ăn trước. Tết cùng mẹ đi chợ sắm bao nhiêu thứ, những thứ mà ở thời ấy người ta mới bán mới mua, bánh kẹo thì chất đầy ban thờ và thích nhất vẫn là được nhiều tiền mừng tuổi nhét lợn tiết kiệm. Bố tôi đi chặt cành đào nhiều nụ trên rừng về đốt gốc ngâm nước, còn tôi thì phồng mồm trợn mắt thổi những quả bóng bay xanh đỏ treo lên cành đào.

Đêm giao thừa, cả nhà cùng thức xem ti vi, ăn bánh kẹo, cắn hạt bí nhâm nhi tách cà phê, đúng 12 giờ, bố ra sân đốt những tràng pháo to, tôi thì hì hục đốt pháo tép, pháo que, có năm còn đốt cả pháo hoa nữa. Rồi niềm hạnh phúc ấy cũng ngắn ngủi như những tràng pháo kia, nổ to lóe sáng rồi phụt tắt. Mười tuổi gia đình tôi tan vỡ, bố mẹ tôi đi tù rồi ly hôn, thế là tôi không còn những cái Tết đẹp đẽ nữa, mà chỉ còn lại nỗi buồn da diết của một đứa trẻ ngây thơ, vỡ òa trước biến cố gia đình.
Mười sáu năm trôi qua, tôi chưa lần nào được thêm một cái Tết trọn vẹn nữa. Mọi người vẫn thường nói Tết bây giờ có như ngày xưa đâu, ngày nào cũng như Tết nhưng đối với tôi Tết là những kiỷ niệm đẹp, là hồi ức tuổi thơ. Khi về sống với mẹ rồi xa nhà đi học, tôi luôn tránh né những cái Tết, về nhà chỉ là một sự gượng ép. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ, cuộc sống khiến con người thiên về vật chất hơn, tình cảm cứ phai nhạt, khoảng cách không gian thời gian làm mọi người xa cách, lạ lẫm không còn thân thiết như khi tôi còn bé nữa. Những lần Tết không về nhà mẹ và mấy người họ hàng gọi điện nhắn tin bảo tôi về không có tiền thì mọi người cho, nhưng tôi chỉ ậm ừ rồi báo bận không muốn về, đôi lúc thì cáu gắt viện đủ cớ để thoái thác nhưng thực sự trong lòng tôi đau nhói và nước mắt cứ thế trào ra.
Vì hoàn cảnh gia đình, tôi cố gắng học hành và cũng là sự kỳ vọng của mọi người, nhưng học xong tôi lại không làm được như mọi người mong muốn, tôi luẩn quẩn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, phải gác lại ước mơ của bản thân, bất mãn và trượt dài theo căn bệnh trầm cảm. Sống một mình ở thành phố suốt ba năm qua không người thân, không bạn bè, công việc không ổn định, tiền không có, nhiều tháng trong túi chẳng có nổi mấy nghìn lẻ mua mì tôm. Mọi người ở nhà cứ nghĩ tôi sống tốt và tôi cũng giấu không để ai biết hoàn cảnh của mình nên mấy năm không về mọi người thường trách mắng nhiều, tôi luôn cảm thấy tủi thân, buồn và bế tắc. Và trong tôi không còn khái niệm về Tết.
Mỗi khi Tết đến, tôi chỉ ước mình bé lại hay ai đó cho tôi một vé trở về tuổi thơ sống vô tư và hưởng một cái Tết trọn vẹn, đúng nghĩa bên gia đình. Tết này, Tết sau và những Tết sau nữa tôi không biết mình sẽ ra sao, bản thân có đủ mạnh mẽ về vật chất, tinh thần vượt qua tất cả để có cuộc sống bình thường, Tết đoàn viên hay không.
Nguyễn Thị Hạnh
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |