Công ty công nghệ tỷ đô Dyson khởi đầu ở thị trấn Malmesbury, Anh Quốc, khi James Dyson giúp vợ làm việc nhà vào năm 1978. Sau hơn 40 năm hoạt động, hiện Dyson có 4.000 nhân viên trên toàn thế giới, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử và bán tại 70 quốc gia. Mới đây, đại diện của Dyson đã thông báo thương hiệu này sẽ sớm mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ông James Dyson hiện là chủ tịch và cổ đông duy nhất của công ty, sở hữu tổng giá trị tài sản là 7,8 tỷ Bảng (10,05 tỷ USD), và là một trong những người giàu nhất nước Anh. Dưới đây là những lý do khiến James Dyson và công ty của mình thành công.
Bắt đầu sự nghiệp từ thái độ không thoả hiệp
Dyson và vợ từng chuyển đến một căn nhà có sàn bằng gỗ và hai người quyết định mua một máy hút bụi hàng đầu. Tuy nhiên, ông rất thất vọng vì máy hút không tốt và gần như bỏ đi khi túi bụi không còn mới. Điều này đã thôi thúc ông nảy ra ý tưởng máy hút bụi không túi.
Để giải quyết bài toán này, James Dyson đã đưa ra tới 5.127 đáp án sai trong 5 năm ròng rã thử nghiệm và chỉ thành công cho tới khi ông đưa ra phiên bản mẫu thứ 5.128. Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến cuộc cách mạng bóng đèn điện và tôn vinh Dyson như truyền nhân của nhà phát minh Thomas Edison ở thời hiện đại. Trong một lần phỏng vấn, James Dyson mô tả trải nghiệm thử và sai này như một hành trình khám phá đầy thi vị: "Với mỗi lần thử nghiệm, tôi chỉ thay đổi đúng một chi tiết để biết được chính xác cái gì hiệu quả và cái gì không".
Khi người khác chép miệng bỏ qua, Dyson lại biến nỗi nhức nhối tưởng chừng nhỏ nhặt hằng ngày trở thành nền móng cho sự nghiệp trọn đời của mình.
Không sợ làm sai và thất bại
James Dyson bước vào con đường phát triển sản phẩm với tư cách là một nhà thiết kế nội thất. Thiếu hoàn toàn vốn kiến thức chế tạo cơ khí chuẩn mực như các nhà khoa học cùng thời, ông tự cho mình một đặc quyền mà không ai trong số họ muốn thử, đó là "làm sai một cách hồn nhiên".
Ban đầu, không một hãng sản xuất đồ gia dụng nào nghĩ đến việc loại bỏ túi chứa bụi. Đơn giản đây là bộ phận sinh lời nhất vì người sử dụng phải liên tục thay mới khi các mắt túi đã ken đặc bụi bẩn sau một thời gian ngắn. James Dyson cảm nhận vấn đề của người tiêu dùng dưới lăng kính của một ông chồng đang tìm cách làm cho công việc nhà trở nên dễ dàng nhất có thể. Theo góc nhìn giản dị mà chân thực này, những chiếc túi chứa bụi không đáng giá hơn đống bụi bẩn bên trong nó là bao.
Bằng cách thức tiếp cận vấn đề hồn nhiên, những phát minh của Dyson luôn có khuynh hướng thay đổi hẳn bản chất của sản phẩm thông thường như: quạt lọc không khí Pure Cool Link TM không cánh quạt; máy sấy tóc Supersonic TM không cánh quạt; máy hút bụi V11 TM Absolute không dây, không túi bụi... Theo Michael E. Porter, Giáo sư Đại học Harvard, các sản phẩm của Dyson được khác biệt hóa rõ ràng tới mức tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, đưa thương hiệu này bước ra khỏi đường đua giảm giá hay nâng cao chất lượng sản phẩm đơn thuần vốn đã "chật ních" người chơi.
Ở Dyson, giai đoạn nghiên cứu - phát triển - tạo mẫu sản phẩm được đầu tư công phu tới mức cực đoan, cả về thời gian lẫn tiền bạc nhằm đáp ứng kỳ vọng hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Chiếc máy sấy tóc Supersonic TM là một ví dụ điển hình khi đây là thành quả nghiên cứu có tổng trị giá 50 triệu bảng Anh, kéo dài suốt 4 năm với 100 kỹ sư tham gia và được thử nghiệm trên 1.625 km tóc trước khi được bán ra thị trường.
Dù hiệu quả kinh doanh đã được chứng thực, không nhiều người đủ sẵn sàng để theo đuổi quá trình đắt giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này, nhất là với những công ty đa quốc gia. Bởi lẽ "khi càng lớn, sự hồn nhiên càng nhỏ lại" và bất kỳ cải tiến nào cũng dễ dàng vấp phải phản đối từ nội bộ do lo ngại nguy cơ ảnh hưởng đến doanh số. Vì thế, James Dyson vẫn đang là chủ sở hữu duy nhất của Công ty Dyson để tránh áp lực từ các cổ đông, nhằm gìn giữ văn hóa phát triển sản phẩm độc đáo của mình.
Phát triển 'thế hệ hồn nhiên' tiếp nối
Dù tầm vóc của Dyson đã vươn ra toàn cầu với trung tâm công nghệ mới đặt tại Singapore, tinh thần không e ngại thất bại vẫn còn được giữ vẹn nguyên. "Tài sản" được trân trọng nhất của mỗi kỹ sư Dyson không phải là kinh nghiệm mà là "sự hồn nhiên". Họ được trao quyền để làm sai và làm lại hàng trăm lần, bởi thất bại được xem là tín hiệu tích cực cho thấy con đường đến thành công đã rút ngắn thêm một chặng.
Năm 2017, Viện Kỹ thuật và Công nghệ Dyson ra đời với sứ mệnh đào tạo các thế hệ kỹ sư trẻ. Họ được tôi luyện lòng thấu cảm để nhìn thấy những vấn đề bị bỏ qua trong đời sống thường ngày và áp dụng lăng kính hồn nhiên vốn có của mình để làm mới những điều cũ, tương tự như cái cách James Dyson đã làm cách đây hơn 40 năm.
(Nguồn và ảnh: Dyson)