Trong hội nghị trực tuyến "Kiến tạo chính sách lương thưởng phúc lợi trong hiện thực mới" của Talentnet, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ tăng lương của nhóm doanh nghiệp trong nước đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua với con số là 6,8% và dự kiến giảm nhẹ 0,1% trong năm 2022.
Trong khi đó, theo bảng khảo sát về Mức độ hạnh phúc trong công việc của đơn vị này, 94% lao động khẳng định chế độ lương - thưởng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hạnh phúc trong công việc.
"Phương án siết chặt lương, thưởng trong thời gian này của doanh nghiệp có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên cảm thấy bất mãn và quyết định nghỉ việc, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc của Talentnet nhận định và cho rằng, nếu không khéo léo, các nhà lãnh đạo sẽ phải trả giá đắt và hệ thống vận hành có thể đối diện với nguy cơ thiếu người.
Dưới đây là 3 gợi ý từ bà Thanh Hương để doanh nghiệp vừa có thể cân bằng chi phí lương - thưởng, vừa giữ chân đội ngũ lao động:
Chi trả lương - thưởng theo kỹ năng và hiệu quả công việc: Cùng với sự phát triển của công nghệ trong hai năm gần đây, tầm quan trọng của việc ứng biến và học hỏi những kỹ năng cần thiết được đặt lên hàng đầu. Các chuyên gia nhân sự trong hội nghị trực tuyến "Kiến tạo chính sách lương thưởng phúc lợi trong hiện thực mới" cũng khẳng định kỹ năng là gốc rễ để quyết định lương, thưởng và giá trị của nhân viên. Thay vì trả lương theo vị trí, việc chi trả lương, thưởng theo kỹ năng là chiến lược mới giúp tạo động lực cống hiến cho người lao động trong thời đại mới.
Đảm bảo các phúc lợi thiết yếu, phù hợp với nhu cầu: Trong thời đại sức khoẻ tinh thần được chú trọng, bên cạnh các gói phúc lợi cơ bản, doanh nghiệp có thể cân nhắc các gói phúc lợi tinh thần tùy chỉnh theo nhu cầu để nhân viên linh hoạt lựa chọn. Các nhà lãnh đạo có thể xem xét một số ý tưởng sau: chu cấp các gói giải trí tại nhà trên ứng dụng Netflix, Spotify; khám chữa bệnh cho gia đình; đăng ký cho nhân viên tham gia các khóa học về thiền, nấu ăn hay trò chơi mạo hiểm để nâng cao trải nghiệm,...
Đảm bảo việc chi trả lương và phúc lợi đúng người - đúng thời điểm: Nhân viên sẽ cảm thấy bất mãn và có thể giảm hiệu suất hoặc nghỉ việc nếu tình trạng siết chặt lương – thưởng và trả lương muộn xuất hiện cùng lúc. Để không đặt mình vào thế bí, doanh nghiệp có thể cân nhắc dịch vụ thuê ngoài tính lương nhằm đảm bảo việc chi trả lương và phúc lợi đúng hạn. Đây cũng là một giải pháp để doanh nghiệp giảm tải công việc cho bộ phận HR để họ tập trung vào chính sách chăm sóc nội bộ và trở thành "quân sư" tư vấn cho các nhà lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ thêm, tuy siết chặt lương thưởng là giải pháp tạm thời để vượt Covid-19, nó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu bài toán này không được tính toán cẩn trọng. Doanh nghiệp cần xem xét kỹ các tác động trước khi thay đổi bất kỳ chính sách nào liên quan đến lương thưởng bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. "Khôn khéo kết hợp nhiều giải pháp khác nhau là chìa khóa giúp doanh nghiệp vừa giải bài toán ngân sách vừa đảm bảo sự hài lòng và giữ chân nhân tài, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong bình thường mới", bà Hương khẳng định.
Thế Đan (Ảnh: shutterstock)