Trong số hơn 20 phụ nữ bán hàng tại chợ Bãi Đá, thị trấn Hòa Lạc, chị Vân, 32 tuổi (tên đã thay đổi) được cán bộ tại Trung tâm Csaga (trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên) đánh giá là một điển hình phụ nữ mạnh mẽ. Chị đã thay đổi người chồng vô tâm thành người chồng hết mực yêu thương vợ con, từ người nghiện cờ bạc đã không còn đụng tới nó nữa. Ba năm gần đây, vợ chồng chị Vân có một cuộc sống hạnh phúc. Dưới đây là chia sẻ của chị Vân về giai đoạn thăng trầm của gia đình.
Vợ chồng tôi kết hôn năm 2005. Một năm tôi sau sinh con trai, năm tiếp theo sinh thêm con gái nữa. Chúng tôi bắt đầu trục trặc từ đây.
Trong khoảng 6 năm từ 2007 đến 2013 là thời gian u ám nhất đời tôi. Mùa xuân năm 2007, khi đó tôi mới sinh con thứ hai được hơn một tháng thì con bị xuất huyết não. May mắn đưa tới bệnh viện kịp thời nên con không gặp phải di chứng nào. Sau lần đó bác sĩ dặn dò phải yêu thương con, đừng để con phải khóc.
Cuộc sống ngày ấy khó khăn lắm. Trong nhà không có đồng tiết kiệm nào. Chồng làm thợ xây, nhưng anh làm được đồng nào là dồn hết vào cờ bạc. Thương con non nớt nhưng tôi buộc phải ra khỏi nhà kiếm tiền khi con chưa đầy tháng. Ban ngày con được bế đi chơi thì đỡ quấy, nhưng đêm thì hầu như quấy khóc suốt. Tôi mệt mỏi vì con, áp lực vì không có tiền, càng trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng càng không thấy.
Năm 2009, tôi bị một khối u ở chân. Tuy là u lành nhưng được khuyên mổ. Từ sau đó, chân tôi đi không còn được như bình thường. Bệnh tật nhưng không được chồng quan tâm, còn hắt hủi, khiến tôi tự ti kinh khủng.
Tại triển lãm "Bên kia mắt bão" do Trung tâm Csaga tổ chức, chị Vân đã chia sẻ về câu chuyện vượt lên số phận của mình. Ảnh: Phan Dương. |
Tôi đi bán thực phẩm chức năng (từng dùng tốt cho mình sau mổ) thì bị chồng mắng chửi, cấm đoán. Bất mãn với chồng dồn nén ngày một nhiều. Ở quê tôi dịp Tết và ra Giêng là cánh đàn ông tụ tập chơi cờ bạc. Không có tiền như người ta, nhưng chồng tôi vẫn vay mượn được để chơi. Tôi sợ Tết kinh khủng, vì những ngày đó chồng đi chơi thâu ngày đêm. Trong nhà lúc nào cũng có chiến tranh. Năm nào cũng như năm nào, từ ra Giêng là tôi phải nai lưng làm mấy tháng mới trả được hết nợ cờ bạc của chồng.
Chồng tôi còn là con trưởng, phải chi rất nhiều tiền vào đám xá. Nỗi lo đến các ngày giỗ chạp khiến tôi càng thêm chán nản.
Đến năm 2013, chúng tôi kết hôn được 8 năm, nhưng không sắm sửa được gì, cuộc sống nhếch nhác, túng thiếu. Tình cảm vợ chồng đi xuống, lời ăn tiếng nói với nhau không còn nhẹ nhàng. Tôi và chồng cứ nói với nhau câu trước, câu sau là cãi nhau ỏm tỏi.
Đỉnh điểm một lần cãi nhau, anh ấy đã tát tôi, xúc phạm tôi và gia đình. Tôi cảm thấy bế tắc. Khi anh đưa đơn ly hôn, tôi không ngần ngại gì ký thẳng. Lá đơn đó chúng tôi chưa gửi ra tòa.
Gia đình đã ở bên động viên tôi rất nhiều giai đoạn khó khăn này. Các anh chị tôi đều có kinh tế khá, gia đình êm ấm, nhìn lại mình tôi càng tủi. Trong tôi giục giã muốn giải thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt này. Nhưng nghĩ tới các con, tôi khựng lại. Đến cuối năm 2013, tôi quyết định mang hai con về nhà mẹ đẻ.
Thời gian này tôi vẫn đi chợ bán hoa quả mỗi ngày và đưa đón con đi học. Nhưng vợ chồng tuyệt nhiên không còn nói chuyện với nhau. Những suy nghĩ về cuộc hôn nhân và tương lai của hai con khiến tôi khóc suốt. Tôi sụt xuống chỉ còn 42 kg.
Mùa hè năm 2014, tức khoảng 6 tháng sau ngày tôi về ngoại, chồng tôi tìm đến xin lỗi và hứa sẽ thay đổi. Nghe những lời hứa của anh, tôi quyết định sẽ dọn về sống chung một hai tháng xem sao. Lúc đó tôi nghĩ về sống chung, xem như là cho nhau một cơ hội cuối cùng. Nếu không thể khác trước thì ly hôn cũng không còn ân hận nữa.
Quả thật chồng tôi đã thay đổi. Anh dậy sớm mỗi ngày chở hàng ra chợ cho tôi. Chập tối mà tôi đi chợ chưa về, anh sẽ đảm nhận việc tắm rửa, nấu ăn, cho các con ăn. Trước đây, tôi còn phải nhặt từng chiếc áo, chiếc quần anh vứt lung tung đi giặt, giờ thì anh gom đồ giặt và phơi cho cả nhà.
Chồng cũng quan tâm tôi, nói nhẹ nhàng với tôi. So với trước đây, anh ấy đã tốt lên đến 80%. Tôi vui mừng, hạnh phúc và tình yêu với chồng cũng trở lại.
Song, chồng tôi vẫn chưa dứt khoát được tật cờ bạc. Có người rủ, anh vẫn đi. Dù tôi khuyên bảo, nói nặng, nói nhẹ, anh vẫn cố biện hộ: "Anh chỉ chơi cho vui thôi" hay "Thi thoảng anh mới chơi chứ không chơi nhiều như trước". Tôi muốn chồng phải đoạn tuyệt với cờ bạc.
Một hôm thấy chồng đi chơi, tôi cũng mang theo mấy triệu đồng. Anh chạy xe trước, tôi đến sau, rồi cũng ngồi xuống sới bạc như anh. "Cho em chơi với", tôi nói, trong sự ngỡ ngàng của chồng. Sau đó anh kéo tôi ngồi xuống cùng chơi với vài cặp vợ chồng nữa.
Vài ngày sau, thấy chồng có người gọi điện thoại rủ đi. Tôi không ngại để con ở nhà thêm bữa nữa, xin đi cùng chồng. Trong khi chơi, tôi tỏ ra thích thú muốn chơi và ham chơi. Nhưng lần này cũng như lần trước, vợ chồng tôi chỉ bị thua chưa đến một triệu đồng.
Đến lần thứ ba, cũng là bữa cuối cùng tôi bị thua mất hơn bốn triệu. Hôm đó, ban đầu hai vợ chồng cùng chơi, nhưng sau thấy mất tiền nhiều anh ấy không chơi nữa, còn tôi thì cố tỏ vẻ càng thua, càng ham. Anh liên tục bảo tôi dừng chơi, còn tôi nói: 'Cứ đánh đi, hết thì vay. Mình làm vài hôm lại có tiền trả..."
Ván cuối, tôi thua đậm. Anh giật bài quăng bài xuống, rồi nổi khùng lên: "Anh chịu em rồi. Từ nay không cờ bạc gì nữa". Anh kéo tôi ra về.
Mất tiền mà tôi hí hửng trong lòng, vì chồng đã biết được cảm giác của tôi khi anh ấy đi đánh bạc. Đến giờ tôi vẫn nhớ đợt "nhúng chàm" đó của mình là vào mùa mít, khoảng tháng 9/2014. Kể từ đó, chồng tôi không còn đụng đến bài bạc nữa. Anh chăm chỉ làm lụng, mỗi tháng mang về cho tôi được 8 triệu đồng.
Năm 2015, vợ chồng tôi sinh thêm một con nữa. Vợ chồng chăm chỉ làm lụng và thu nhập đều đều, nên kể từ đó chúng tôi bắt đầu sắm sửa được nhiều đồ đạc trong nhà, cuộc sống dư dả hơn và còn có tiền tiết kiệm. Vợ chồng tôi đang dự định đầu năm tới sẽ xây nhà. Dù vẫn phải vay mượn thêm, nhưng cứ với tình cảm vợ chồng tốt đẹp như hiện tại, tôi tự tin có thể trả được.
Phan Dương ghi