Tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khách nhập cảnh qua sân bay được duy trì giám sát thân nhiệt bằng máy đo thân nhiệt từ xa, đặc biệt lưu ý khách đến từ vùng có dịch bệnh do virus Zika. Nếu nghi ngờ, khách được sàng lọc và giám sát, phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển theo quy định về cơ sở điều trị. Phương tiện chuyên chở các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cũng sẽ được xử lý, phun hóa chất diệt muỗi kịp thời.
Kiểm dịch Y tế quốc tế tại sân bay đang truyền thông cho hành khách, thực hiện vệ sinh khử khuẩn trên máy bay và khu vực sân bay; giám sát định kỳ chỉ số muỗi, bọ gậy tại các khu vực cửa khẩu và xử lý theo quy định. Các cảng vụ triệt để xử lý ổ chứa nước trong khu vực để triệt tiêu nơi sinh sản của muỗi. Ngành y tế cũng khuyến cáo các hãng hàng không chủ động phun hóa chất diệt muỗi trên máy bay trước khi đến Tân Sơn Nhất đối với chuyến xuất phát từ vùng có dịch hoặc trên máy bay có hành khách đến từ vùng dịch.
Một trong hai ca bệnh nhiễm virus Zika tại Việt Nam là thai phụ 33 tuổi ngụ quận 2, TP HCM. Nhận định khả năng virus Zika lưu hành tại TP HCM là rất lớn và có nguy cơ lây lan mạnh, ngành y tế thành phố kêu gọi tăng cường triển khai tích cực những biện pháp giám sát chủ động. Phó giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM kêu gọi các cấp chính quyền, cơ quan y tế, mỗi gia đình, toàn dân cần chủ động tham gia đồng bộ và quyết liệt các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Cần tăng cường giám sát không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do virus Zika gây ra.
Thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát điểm nguy cơ phát sinh muỗi vằn truyền bệnh Zika và bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng, lật úp các vật chứa nước không sử dụng, thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước đang sử dụng và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại những nơi có mật độ muỗi tăng cao...
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện lưu ý phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, kèm với yếu tố dịch tễ trở về từ vùng có dịch để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm. Chú ý diệt muỗi, loăng quăng trong khu vực bệnh viện. Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Từ Dũ tiếp tục triển khai các lớp huấn luyện, điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM) cho rằng phụ nữ có thai cũng không cần thiết phải đổ xô đến các bệnh viện để xét nghiệm. Chỉ nên đi xét nghiệm nếu đang trong 3 tháng đầu thai kỳ có biểu hiện sốt, phát ban, triệu chứng viêm kết mạc hoặc từng đi đến vùng có dịch, tiếp xúc với người từ vùng có dịch... Không phải tất cả trường hợp thai phụ nhiễm virus Zika đều gây hội chứng não nhỏ và không phải tất cả trường hợp não nhỏ đều liên quan đến virus Zika. Các triệu chứng của bệnh virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay văcxin cho bệnh này.
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền bởi muỗi Aedes, cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bệnh do virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn. Tuy vậy khoảng 80% trường hợp nhiễm virus không có biểu hiện triệu chứng. Hiện nay đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh các khu vực có dịch bệnh do virus Zika lưu hành. Ngoài phương thức lây truyền qua muỗi, một số bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.
Hiện trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia báo cáo có ca bệnh do virus Zika. Dịch chủ yếu lan rộng ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Các quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Campuchia cũng đã ghi nhận ca bệnh.
Lê Phương