Trong hội nghị Hàng không Việt trỗi dậy & Sự hồi phục nền kinh tế diễn ra ngày 30/5 tại Quy Nhơn, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định: "Hàng không Việt Nam không chết yểu" bởi dù chưa chắc chắn về thời điểm có thể xóa bỏ rào cản nhập cảnh nhưng Cục cùng các tổ chức, doanh nghiệp vẫn luôn trăn trở về cách hồi phục ngành hậu Covid-19. Trong các ý kiến tham luận từ đại diện Cục hàng không Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và công ty lữ hành, hàng không, có 3 biện pháp nổi bật sau đây:
Tạo điều kiện tối đa cho hàng không nội địa
Trong bối cảnh hàng không quốc tế chưa lưu thông do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không trong nước tháo gỡ khó khăn, trừ trường hợp cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay có những đường bay đã đạt 80% so với đợt du lịch cao điểm - Tết nguyên đán 2020.
Chỉ riêng với đường bay Côn Đảo, ông Võ Huy Cường chia sẻ Cục dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, sau 4 tuần từ khi khởi động trở lại, tấn suất hoạt động của đường bay TP HCM, Cần Thơ tới Côn Đảo hồi phục khá ổn định, 21 chuyến bay một ngày.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Group, cho biết, ông đã chia sẻ những khó khăn hãng hàng không của tập đoàn - Bamboo Airways - vấp phải do dịch bệnh cùng Cục hàng không và Bộ Giao thông, trong đó, hầu hết các vấn đề đã được giải quyết.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho phép mở các hãng hàng không mới ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch nội địa.
Kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực liên quan
Với nỗ lực chống dịch của toàn dân và diễn biến thực tế tại các sân bay, điểm du lịch, các chuyên gia khẳng định "Việt Nam là điểm đến an toàn". Do đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: "Hiện nay, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa".
Theo ông, để đạt được mục tiêu giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa ngành hàng không, các doanh nghiệp lữ hành và địa phương bởi khi đi du lịch, người dân sẽ quan tâm tới việc ở đâu, ăn gì rồi mới đến đi chơi ở đâu và mua quà tặng. Vì vậy, chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển.
Với ngành hàng không, không chỉ máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm, do đó, khi có khó khăn, các hãng hàng không có thể phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ để hỗ trợ phát triển.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định bày tỏ mong muốn tất cả ban ngành thể hiện sự quan tâm với nhau bởi chỗ nào có sự gắn bó của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hàng không thì sẽ mau hồi phục hơn. Như tại Bình Định, lượng khách tới tỉnh sau giãn cách đạt 67%. Ông nói thêm: "Tùy điều kiện thuận lợi, khó khăn, phải có sự chung tay giữa đơn vị hàng không, lữ hành, địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp bởi nếu giảm giá liên tục sẽ phá nguyên một hệ thống, không thể làm huề vốn vì chi phí đầu tư cho du lịch cũng rất lớn".
Cạnh tranh lành mạnh
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nhận định việc cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn chỉ phù hợp với các ngành kinh doanh hàng hóa. Riêng hàng không, là một ngành cần đầu tư lớn, các hãng cần có sự phát triển song hành để không ảnh hưởng tới tài sản quốc gia. Và để làm được điều này, cần coi lợi ích của người tiêu dùng là lợi ích quốc gia thay vì cạnh tranh sát sườn giữa các doanh nghiệp.
Với quan điểm này, ông khuyến khích các doanh nghiệp nên kích cầu du lịch bằng các chính sách ưu đãi linh hoạt nhưng có giới hạn, ưu tiên cho trẻ em để kích thích bố mẹ và tạo động lực cho thị trường du lịch nội địa.
Hội nghị Hàng không Việt trỗi dậy & Sự hồi phục nền kinh tế do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cùng Bamboo Airways phối hợp tổ chức. Tại đây, bên cạnh các giải pháp phục hồi ngành hàng không, các đại biểu còn đưa ra nhiều sáng kiến về sản phẩm du lịch, chuyển đổi mô hình vận chuyển...
Nhật Lệ
Ảnh: Giang Huy