"Bếp trưởng" trưa nay vẫn là Trần Văn Minh, 9 tuổi, lui cui bên cạnh bếp củi khói bốc nghi ngút. Từ lúc mẹ âm thầm bỏ đi năm 2015, cậu đã quen với công việc này. Bà ngoại Nguyễn Thị Thanh, 66 tuổi, muốn làm thay cháu, nhưng ngồi chưa được 5 phút, chân tay đau nhức, phải vào nằm.
Bố của Minh bị bệnh gan qua đời năm 2017. Minh cùng chị gái Trần Thị Vân Anh, 14 tuổi và Trần Thị Yến Nhi, 12 tuổi, sống cùng bà ngoại ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Bà Thanh hai năm qua đã mất sức lao động sau một tai nạn xe máy, chỉ quanh quẩn bên chiếc giường trong căn nhà nhỏ chìm nghỉm giữa làng phế liệu.
Chờ nước sôi, Minh chạy thật nhanh đến xoa tay chân cho bà. Bà Thanh khó phát âm, nhưng lâu lâu vẫn gồng lên khen "Cháu tôi giỏi quá", khiến cậu út cười tít mắt. Cậu kể chuyện rách áo vì chó cắn, cô giáo mắng vì điểm thấp... cho bà nghe.
Lát sau hai chị về, chắc mẩm hôm nay lại có món mới vì cậu em hay sáng tác. Yến Nhi tặc lưỡi với bữa ăn chưa tới 10 nghìn đồng, là canh rau muống nấu lẫn một quả trứng. Tới bữa, Nhi không ăn, Vân Anh phải động viên "Được đầu bếp 5 sao nấu cho ăn mà chê!".
Bữa cơm "5 sao" thường chỉ toàn rau, có hôm là rau luộc chấm sốt cà chua, có hôm là rau xào chấm xì dầu, ngon hơn là rau nấu canh thịt. Bỗng dưng Nhi khóc, bà ngoại cùng chị em biết Nhi đang nhớ mẹ.
Vân Anh vét vội cơm, thả chén đánh 'kịch', ra ngồi bóc ve chai. Công việc này vừa là thú vui duy nhất, cũng là lúc em có thể vơi đi nỗi nhớ mẹ. Không nỡ để chị gái làm một mình, hai em ra ngồi làm cùng giữa trưa nắng. Làm được một tiếng, Minh ngồi ngủ gục, hai chị phải xách em vào giường, cậu em mơ ngủ nói "Chị cứ để em làm".
Thôn Xà Cầu có nghề sơ chế phế liệu, hàng xóm thương tình đem vỏ chai qua cho mấy chị em Minh làm kiếm thêm thu nhập. Lũ trẻ dùng dao nhọn tách nhãn vỏ vứt bỏ, rồi xếp vỏ chai thành từng đống để tái chế. Mỗi ngày, phân loại 3.000 chai nhựa, 3 chị em được khoảng 50 nghìn đồng. Một nửa để mua đồ ăn, một nửa bỏ vào heo đất.
Nhiều hôm đói, nhưng mấy chị em chưa từng có suy nghĩ bỏ học. Ở chiếc tủ gỗ đặt di ảnh của bố, phía dưới là đầy ắp giấy khen của chị em Vân Anh.
Tài sản của bố để lại là chiếc bàn học cũ, chiếc ghế chắp vá cùng chiếc xe đạp rỉ sét. Vân Anh có hôm phải đi bộ 3 km đến trường vì nhường xe đạp cho các em. Cô bé luôn dặn các em phải đi sát vào lề và không được la cà khi chưa xin phép.
"Đói ăn không bằng thiếu bố mẹ. Không có bố mẹ, đôi khi nói các em không nghe lời", Vân Anh tâm sự.
Mỗi sáng, 3 chị em tự dậy đi học, không còn đợi bà kêu. Có bữa, bị chị dựng dậy, Minh khóc la: "Em muốn ngủ tiếp, tha cho em đi". Thấy chống đối, chị cả tạt nước, Minh bật dậy đi thẳng ra lu nước trước nhà, đánh răng rửa mặt, không nói thêm lời nào.
Vân Anh cũng dạy các em giặt đồ. Bàn tay nhỏ, vò cách mấy cũng không ra hết bẩn, Nhi và Minh đâm ra cáu bẳn. Về khuya, chị cả lại âm thầm giặt lại cho cả nhà. Có lần hai đứa em thấy, vội chạy ra bảo chị: "Chị ơi cho em xin lỗi, sau này em không nghịch bẩn nữa".
Năm 2018, Minh học lớp 3, hôm họp phụ huynh không ai đến dự cho cậu. Hôm sau, có bạn thắc mắc, Minh đã lao vào xô bạn. Về nhà, Vân Anh bảo em quỳ xuống trước bàn thờ, cầm roi nhưng không đánh, nhắc đi nhắc lại lời bố "Luôn biết nhẫn nhịn". Từ lần đó, thấy ai nói gì về bố mẹ, Minh lẩm nhẩm câu của bố trong đầu, nắm chặt tay lại rồi lờ đi, mắt hoe đỏ.
Gia đình bà Thanh có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn, theo ông Nguyễn Xuân Toản, trưởng thôn Xà Cầu. Mọi sinh hoạt trông vào trợ cấp hộ nghèo 700 nghìn đồng mỗi tháng và tiền làm ve chai của lũ trẻ.
Hàng xóm thương 3 chị em nên cứ vài hôm lại qua cho gạo, cho đồ ăn. Có hôm, anh Nguyễn Đình Chiến (41 tuổi, hàng xóm) đi thể dục tối, 10 giờ đêm vẫn thấy 3 chị em ngồi bóc vỏ chai. "Tôi thắc mắc hỏi, chúng nói dối ăn rồi, nhưng tôi biết ba đứa nhịn đói vì kể với nhau hết tiền mua gạo", anh Chiến nói.
Làm ve chai 2 năm để dành được "của riêng" 500 nghìn, Minh bảo chị Vân Anh mua một đàn gà để nuôi. Cu cậu chắc mẩm Tết này sẽ có tiền mua quần áo mới để tặng hai chị, dù 3 năm qua, cậu cũng chỉ mặc chiếc áo rách.
Trọng Nghĩa