Phó giáo sư Nguyễn Văn Ân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 số các bệnh về tiết niệu, gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, niệu đạo.
Ước tính tại Việt Nam có khoảng 3% dân số mắc bệnh sỏi niệu. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 35-55, nam nhiều hơn nữ. "Nước ta có khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng, người lao động ngoài trời đổ mồ hôi nhiều, nước tiểu cô đặc thành sỏi nên tỷ lệ mắc bệnh cao", phó giáo sư Ân phân tích.
Khi mắc sỏi tiết niệu, người bệnh đau đớn và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Đây là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, suy thận, thậm chí có thể tử vong và dễ tái phát.
Bệnh nhân bị sỏi đường tiểu trên (thận, niệu quản) thường đi khám bệnh với triệu chứng đau tức lưng, đau quặn thận, nhiều khi đau mơ hồ, âm ỉ. Sỏi đường tiểu dưới (bàng quang, niệu đạo) thường gây rối loạn tiểu, đau vùng hạ vị, tiểu khó... Một số trường hợp bệnh nhân phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe.
Bệnh nhân được điều trị tán sỏi ngoài cơ thể. |
Bác sĩ Vũ Đình Kha, Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết sỏi đường tiết niệu có nhiều phương pháp điều trị, tùy vào vị trí và kích thước sỏi.
Trước đây phần lớn các trường hợp sỏi niệu có chỉ định can thiệp ngoại khoa đều được giải quyết bằng phương pháp mổ mở. Sau phẫu thuật bệnh nhân chịu nhiều đau đớn do đường mổ cắt cơ.
Hiện có nhiều tiến bộ trong trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng rộng rãi cho những trường hợp sỏi có đường kính dưới 2,5 cm, vị trí sỏi ở bể thận hoặc đoạn đầu niệu quản.
Tán sỏi qua nội soi được dùng điều trị sỏi bàng quang hoặc sỏi niệu quản. Phẫu thuật trong các trường hợp sỏi to, sỏi san hô bể thận, sỏi gây biến chứng nặng, sỏi do nhiễm khuẩn, béo phì không thuận lợi cho tán sỏi, đã tán sỏi nhưng thất bại, xử trí bằng các biện pháp ít sang chấn không kết quả...