Ngày 9/7, chuyên gia đầu ngành của 7 bệnh viện lớn đã thăm khám cho 3 chiến sĩ bị thương nặng để đưa ra hướng điều trị. Thành phần hội chẩn gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, 108, 103, Viện Bỏng. Họ đều là các chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa, nội khoa, tim mạch, thần kinh sọ não.
Các chiến sĩ đều bị đa chấn thương, bỏng hô hấp, bỏng lửa. Có người bị vỡ xương sọ, gãy 1/3 xương cẳng chân. Trường hợp bỏng lửa nặng nhất đến 74% sâu vào vùng nguy hiểm như đầu, mặt. Chuyên gia xác định, sau 3 ngày điều trị, tình trạng các bệnh nhân vẫn rất nặng, diễn biến khó lường trong một vài ngày tới.
Ngay sau buổi hội chẩn, các chiến sĩ đã được mở nội khí quản, tiến hành lọc máu và tăng cường thuốc kháng sinh tốt nhất để chống nhiễm khuẩn; cắt bỏ các tổ chức hoại tử bỏng. Đồng thời, Viện cũng chuẩn bị cắt cụt chi không còn khả năng bảo tồn do đã bị hoại tử khi sức khỏe bệnh nhân cho phép.
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Bình, giám đốc Học viện Quân y, điều quan trọng lúc này là chăm sóc điều trị tích cực để bệnh nhân qua giai đoạn sốc, đồng thời thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn, hạn chế bội nhiễm sau khi mở khí quản và phẫu thuật.
Cùng ngày, lễ cầu siêu vong linh chiến sĩ đã diễn ra trong khu vườn ở thôn 11, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội - nơi chiếc máy bay rơi. Dự kiến, lễ viếng và truy điệu được tổ chức tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào sáng 11/7.
Trước đó, sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi 171 chở theo 21 người đã rơi cách sân bay quân sự Hòa Lạc khoảng 3 km khi đang huấn luyện dù. 16 người hy sinh tại chỗ, 2 người không qua khỏi do tình trạng quá nặng.
Nam Phương