Thứ hai, 13/1/2025
Thứ bảy, 1/12/2018, 11:13 (GMT+7)

3 chậu 'cây trong cây' khổng lồ phải đi container ra Hà Nội

Ba chậu cây dài tới 4 mét, theo triết lý "cây sống trồng trong cây chết" vừa được anh Thịnh (Nha Trang) đưa ra trưng bày tại Hà Nội.

Tại triển lãm cây cảnh đang diễn ra ở Mỹ Đình, Hà Nội, 3 chậu cây khổng lồ mang tên Trường sơn lưu thủy, Kỳ sơn mộc thạch, Tứ linh của anh Lê Tiến Thịnh (33 tuổi, thành phố Nha Trang) được đặc biệt chú ý. Mỗi "chậu cây" dài tới 4 mét, phải chở bằng container mới đủ chỗ. 

Xuất thân từ dân kỹ thuật điện, vì đam mê cây cảnh mà anh Thịnh quyết định bỏ ngang công việc ổn định để theo đuổi nghề này. Sau những lần vào rừng tìm lũa (cây chết còn trơ thân) và thấy những cây hoa lan sống xanh tốt trên những thân cây chết mục, anh tin rằng hiện tượng này có thể áp dụng trong nuôi trồng cây cảnh và quyết tâm thử nghiệm trên gỗ quý từ năm 2008.

Nổi bật nhất là bộ Tứ linh được chế tác từ một khúc gỗ sao nặng 3 tấn trục vớt từ lòng sông Dinh, tỉnh Khánh Hòa vào năm 2014. Vì khúc gỗ nằm sâu dưới đáy sông, trúng vào mùa mưa, để kéo khúc gỗ lên, anh phải mất 5 tháng ròng dùng tới 2 xe kéo, một xe cẩu. Trước đó, anh đã xin phép chính quyền để được thu thập gỗ một cách hợp pháp.

Sau 3 tháng đục đẽo, long, lân, quy phụng đã hình thành, được các nghệ nhân thể hiện theo phong cách tối giản, để không làm mất sự nguyên bản. Tiếp đó, các cây mai chấn thủy bắt đầu được trồng vào chậu. Qua 3 năm chăm sóc, anh mới có được một sản phẩm cây cảnh hoàn thiện. 

Tác phẩm Trường sơn lưu thủy trồng giống tùng xuất xứ từ Pháp, có kỹ thuật chăm sóc phức tạp hơn. Bên cạnh đó, lượng đất trong chậu gỗ rất ít, cây khó dưỡng, đòi hỏi sự kiên trì không nhỏ từ người trồng.

Điểm nhấn của tác phẩm là tiểu cảnh thác nước được bố trí vừa vặn trong lòng chậu cùng 13 cây tùng lớn nhỏ với tuổi đời lên đến 60 năm. Để gọt giũa cho chậu cây thành hình và hệ sinh thái trong chậu cây ổn định, anh Thịnh phải mất 10 năm chăm sóc. Anh cho biết, khúc gỗ dài 4 mét này được cha anh vớt lên từ sông Cái năm 2001, mãi đến năm 2008 mới được sử dụng.

Ở chậu cây Kỳ sơn mộc thạch, cây tùng cối 40 năm tuổi được anh đem về từ Đà Lạt năm 2013 trong tình trạng gần như hỏng. “Khi đó cây trụi lủi như cây củi, nhưng vì nó là một chụm cây mọc dính lấy nhau rất hiếm có, nên tôi quyết định mang về tìm cách cải thiện”, anh Thịnh chia sẻ. Sau hơn 10 năm, cây tùng mới ra lá xanh tốt, không phụ lòng người trồng.

Đây là lần đầu anh mang những sản phẩm lớn của mình đi triển lãm xa, với quãng đường hơn 1.300 km. Khi di chuyển, chậu cây phải được tròng cáp siêu bền để tránh xây xướt và gãy vỡ.

Nhiều người qua đường nán lại để chiêm ngưỡng tác phẩm. Anh Nguyễn Xuân Quang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, “chỉ cần nhìn sơ qua tôi đã biết giá trị của chậu cây lớn như thế nào. Thật sự sung sướng khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm kỳ công như vậy”. Giới chơi cây cảnh cũng bàn tán nhiều về 3 tác phẩm này.

Những chậu cây anh Thịnh tạo nên đều được chế tác từ gỗ sao vàng (còn gọi là sao đen). Anh khẳng định, loại gỗ này phù hợp nhất để thực hiện những tác phẩm cây trồng trong cây. Bên cạnh đó, lớp rêu phủ trên bề mặt đất trồng cũng tạo nên một hệ sinh thái thu nhỏ đầy màu sắc, khác biệt với nhiều tác phẩm cùng ý tưởng.

Dù không đưa ra mức giá cụ thể, nhưng anh Thịnh cho biết mỗi tác phẩm đều có giá không dưới 500 triệu đồng.

Trọng Nghĩa