Trong báo cáo chiến lược mới đây, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng có ba câu hỏi lớn cần suy ngẫm về thị trường ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát thời gian tới. Điều này xuất phát từ những biến động trong quý đầu năm, khiến VN-Index mất hơn 31% và lọt vào nhóm thị trường giảm mạnh nhất châu Á vì làn sóng bán tháo trên diện rộng từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thị trường đã tìm thấy đáy?
Điểm số của VN-Index những ngày cuối tháng 3 tỷ lệ nghịch với tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ số xuống sát 650 điểm khi sự lo lắng về số ca nhiễm bệnh, gián đoạn tăng trưởng kinh tế... tăng lên. Tâm lý bi quan bao trùm khiến việc xả hàng để nắm giữ tiền mặt trở thành vị thế chủ đạo. Đà giảm càng được khuếch đại bởi việc bán giải chấp và cắt lỗ của hoạt động tự doanh tại các công ty chứng khoán.
Chuyên gia Mirae Asset nhận định khả năng phục hồi hay chí ít chững lại đà giảm chỉ xảy ra nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 4 hoặc tháng 5. Tuy nhiên, vẫn khá sớm để nghĩ về kịch bản tốt đẹp này trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp.
Kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi những cú sốc từ bên ngoài và xuống thấp hơn "đáy" vừa qua. Một trong những nguy cơ lớn là thị trường phải đón nhận các dữ liệu kém tích cực hơn kỳ vọng khi sức khoẻ nền kinh tế và doanh nghiệp bị tổn thương.
Nên mua hay chờ sự hồi phục chắc chắn?
Những phiên đầu tháng 4 cho thấy tín hiệu tốt lành về một sự hồi phục ngắn hạn. Nhà đầu tư lạc quan và ưa thích rủi ro có thể ra một quyết định không tồi cho chiến lược nắm giữ chờ phục hồi. Nếu "lỡ chuyến tàu" mới đây cũng chưa hẳn là điều đáng tiếc bởi thị trường vẫn diễn tiến khôn lường, cần chờ thêm đến khi xuất hiện một sự đảm bảo rằng dịch bệnh được khống chế thành công.
Nhóm phân tích Mirae Asset dự đoán VN-Index dao động trong vùng 665-865 trong phần còn lại của năm nay. Điều này dựa trên giả định nền kinh tế sẽ trở lại bình thường vào cuối quý II và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở mức 3%. Nếu gián đoạn kéo dài sang quý III, rủi ro giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết càng tăng, qua đó tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu và chỉ số chung.
Nên thay đổi về định giá cổ phiếu?
Chứng khoán Việt Nam được định giá rẻ nhất trong khu vực ASEAN và các thị trường mới nổi. P/E của VN-Index vào cuối tháng 3 ở mức 10,3x, thấp nhất trong 5 năm và thấp hơn 35% so với trung bình 5 năm. Mức định giá này có thể là lợi thế cho Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trở lại và tạo sức bật hồi phục cho các chỉ số khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ như Covid-19 thì P/E ở mức này đã rẻ khi tăng trưởng EPS thị trường và doanh nghiệp sắp thấp kỷ lục. Các số liệu quá khứ vì thế chỉ mang tính tham khảo trong một chừng mực nhất định và định giá thị trường có thể còn thấp hơn nữa.
Nhóm phân tích dự báo thận trọng P/E mục tiêu di chuyển quanh 10-13x trong thời gian còn lại của năm, thấp hơn mức kì vọng 14,5-17,5x hồi đầu năm. Việc trở lại mốc trung bình 5 năm chắc chắn cần thêm nhiều thời gian. Thế nên, đây có thể xem là mức tạm chấp nhận được sau đợt biến động mạnh, bởi nhà đầu tư khó sẵn sàng trả định giá cao hơn khi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Phương Đông