Để một mối quan hệ nguội lạnh theo thời gian dễ dàng hơn đối mặt với mâu thuẫn và giải quyết nó. Tuy nhiên, tình bạn là vấn đề sống còn của con người, theo Lydia Denworth, tác giả cuốn sách Tình bạn: Sự tiến hóa, sinh học và sức mạnh phi thường của mối quan hệ cơ bản của sự sống.
"Nhu cầu kết nối nằm trong ADN của chúng ta, đó là cách chúng ta được lập trình. Điều đó có nghĩa tình bạn không phải một sự lựa chọn hay xa xỉ. Nó cần thiết cho sự thành công và phát triển của con người", bà Denworth nói.
Nếu đã xa cách và không liên lạc những người bạn tốt suốt thời gian dài, đã đến lúc bạn phải vượt qua những cảm xúc tổn thương và hiểu lầm. Hãy coi việc này như một cách chăm sóc bản thân, bởi mắc kẹt trong xung đột sẽ lấy đi nguồn năng lượng quý giá của bạn. Dưới đây là ba cách sửa chữa tình bạn.
Suy ngẫm và viết ra những điều tốt đẹp
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện khó khăn với người bạn đã lâu không liên lạc, hãy dừng lại và suy nghĩ. "Hãy nghĩ đến một thời điểm cụ thể mà tình bạn đó đem tới niềm vui cho bạn", Adam Smiley Poswolsky, tác giả cuốn sách Tình bạn trong Kỷ nguyên Cô đơn, khuyên. Poswolsky gợi ý bạn sử dụng các kỷ niệm tốt đẹp để viết ra danh sách những điều người bạn kia khiến bạn cảm kích. Ông cũng khuyến khích chia sẻ danh sách đó khi hai người nối lại quan hệ với nhau.
"Bắt đầu sửa chữa mối quan hệ bằng sự biết ơn và tích cực sẽ khiến cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn", Poswolsky nói. "Dù vẫn còn căng thẳng hoặc cần thêm thời gian, hai bạn cũng sẽ xây dựng được sự đồng cảm và hiểu nhau hơn".
Đổi mới cách liên lạc
Nếu nỗ lực sửa chữa mối quan hệ qua các kênh thông thường như mạng xã hội và điện thoại không hiệu quả, hãy thử các cách khác. "Hãy gửi bưu thiếp, thư viết tay hoặc một cuốn sách mà bạn nghĩ họ sẽ thích", Poswolsky gợi ý.
Theo Poswolsky, mọi người nên viết thư trước khi trực tiếp nói chuyện lại với nhau. Trong thư, hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về mối quan hệ và lý do bạn muốn sửa chữa nó. Như vậy, bạn có thể nhận ra người bạn kia trải qua nhiều điều mà bạn không biết và học cách lắng nghe lẫn nhau.
Kiên nhẫn
Mỗi người có một cách đối phó với mâu thuẫn. Đôi khi, bạn cần cho mối quan hệ một khoảng thở trước khi thử nối lại.
Khi đã nối lại mối quan hệ, hãy để ý xem người kia có cảm giác khó chịu gì không. Nếu có, nhiều khả năng họ vẫn cảm thấy mình chưa được thấu hiểu và lắng nghe.
Theo Marisa Franco, nhà tâm lý học chuyên về tình bạn ở Washington DC, bạn có thể tiếp cận một cách thẳng thắn, ví dụ: "Tớ cảm thấy mọi thứ hơi chệch hướng từ khi chúng ta cãi nhau. Tớ muốn trở lại như cũ vì tớ thực sự coi trọng tình bạn của mình. Tớ muốn trò chuyện để xem liệu chúng ta có cần giải quyết vấn đề nào khác không".
Cũng cần nhớ rằng bạn không thể cố gắng hộ người kia. Nếu họ chưa sẵn sàng sửa chữa mối quan hệ, bạn cũng nên tự hào về bản thân vì đã có hành động đẹp và làm tất cả những gì mình có thể.
Dù đưa ra các gợi ý sửa chữa tình bạn, các chuyên gia nhận định không phải mối quan hệ nào cũng có thể cứu vãn. Nếu bạn đã cố gắng hàn gắn nhưng vẫn không cảm thấy rằng mọi thứ có thể quay trở lại như trước khi xung đột, hãy cân nhắc xem có thể tiếp tục làm bạn theo cách bình thường hơn không.
"Không phải tất cả tình bạn đều tồn tại suốt đời, và điều đó không sao cả. Các nhà sinh học tiến hóa đã phát hiện ra rằng mối quan hệ chất lượng cao đòi hỏi ba điều gồm sự lâu dài, tích cực và hợp tác. Bạn cần cả ba điều đó", Denworth nói.
Với Franco, xung đột là cơ hội để điều chỉnh lại và cải thiện tình bạn nhưng đôi khi, bạn sẽ nhận ra những "báo động đỏ".
"Nếu nhận ra mối quan hệ đó gây hại nhiều hơn lợi ích, ví dụ người bạn kia không ủng hộ thành công của bạn hoặc bắt nạt bạn, khiến bạn mệt mỏi, bạn nên chấm dứt thay vì hàn gắn", Franco khuyến cáo.
Hãy đánh giá mặt tốt và xấu của mối quan hệ. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ đầy xung đột không tốt cho sức khỏe. "Hãy thành thật với bản thân về mức độ lành mạnh của mối quan hệ. Đừng cố giữ lấy nó chỉ vì nuối tiếc quá khứ", Franco nói thêm.
Thu Nguyệt (Theo CNN)