Lần thứ nhất
Một buổi sáng, người cha làm hai bát mì. Một bát có trứng ở trên, một bát không có. Rồi người cha hỏi con trai muốn ăn bát nào?
- Bát có trứng! Cậu bé chỉ vào bát và nói.
- Nhường cho bố đi, Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi.
- Anh ấy là anh ấy, con là con, con không nhường!
- Không nhường thật à? Ông bố dò hỏi.
- Không nhường! Cậu bé kiên quyết trả lời, rồi với tốc độ ánh sáng cắn lấy một miếng trứng, thể hiện quyền sở hữu.
Người bố kinh ngạc trước động tác và tốc độ của con nhưng nhẫn nại hỏi lần cuối:
- Con không hối hận chứ?
- Không hối hận. Và thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển, cậu bé ăn luôn miếng trứng còn lại.
Ông bố lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mì thì mới bắt đầu ăn bát của mình. Đến những sợi mì cuối cùng, người con nhìn thấy rõ ràng trong bát của cha có hai quả trứng. Lúc này, ông bố chỉ hai cái trứng trong bát mì, dạy con rằng:
- Ghi nhớ: Người muốn chiếm tiện nghi sẽ không bao giờ chiếm được tiện nghi.
Cậu con cúi mặt, xấu hổ.
Lần thứ hai
Một buổi sáng chủ nhật, bố lại làm hai bát mì trứng, cũng là một bát trên có trứng và bát không có trứng. Bố hỏi:
- Con ăn bát nào?
- Con 10 tuổi rồi, con sẽ nhường cho bố. Cậu nói và hí hửng đón lấy bát mì không trứng.
- Không hối hận chứ?
- Không ạ!
Cậu kiên quyết trả lời rồi ăn rất nhanh, nhưng ăn gần hết cũng không thấy trứng đâu. Người bố bắt đầu ăn bát mì của mình, điều không ngờ trong bát của ông ngoài cái trứng nằm mặt trên còn có một cái dưới đáy bát. Ông chỉ vào cái trứng nói:
- Ghi nhớ: Người muốn chiếm tiện nghi có thể phải chịu thiệt thòi lớn.
Lần thứ ba
Trải qua vài tháng, bố lại nấu hai bát mì và hỏi con chọn cái nào.
- Khổng Dung nhường lê, nhi tử nhượng diện. Bố là bậc bề trên, bố chọn trước đi ạ.
- Vậy bố không khách sáo nhé!
Ông bố chọn bát mì có trứng và ăn ngon lành. Cậu con đón lấy lấy bát mì không trứng mà ăn, thần thái lần này bình tĩnh. Ăn một lúc cậu chợt phát hiện trong bát của mình cũng có trứng. Ông bố lúc này thâm trầm nhìn con nói:
- Ghi nhớ: Người không màng đến kiếm lợi riêng cho bản thân, cuộc đời sẽ không để họ phải chịu thiệt.
Hầu như đứa trẻ tiểu học nào ở Trung Quốc cũng được kể câu chuyện này. Qua đó muốn cho trẻ thấy được hai giá trị "được và mất" ở đời. Đối với một đứa trẻ, sự dạy dỗ của cha mẹ và sự tự học, tự lĩnh ngộ là quan trọng nhất và mỗi phụ huynh nên nêu gương.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)