Rạng sáng 14/4, xe cấp cứu vượt gần 1.000 km chở thi thể 3 anh em Cụt Hải Sơn (34 tuổi), Cụt Phó Pheng (31 tuổi) và Cụt Văn Ngọ (19 tuổi), nạn nhân vụ ngạt khí dưới hầm vàng tối 12/4 tại Quảng Nam về tới trung tâm xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn, Nghệ An) buộc phải dừng bánh do không có đường đi.
Các thanh niên bản địa đành phải chằng thi thể nạn nhân lên xe máy để tăng bo qua con đường độc đạo hàng trăm đèo dốc thăm thẳm, đưa về bản Sao Va. Đường đi xóc nảy, nhiều lúc thi thể được quấn bằng vải và nylon lại xô lệch.
Không có đủ sức khỏe và phương tiện để ra trung tâm xã đón những đứa con đoản số, vợ chồng ông Cụt Phò Quyền (65 tuổi) và Cụt Mẹ Quyền ngồi bần thần trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng hơn 30 m2. Khi cả ba đứa con về tới nhà, ông bà Quyền nấc nghẹn: "Sao các con bỏ vợ con, bố mẹ đi cùng lúc như vậy. Các con đi hết rồi thì vợ và con thơ nương tựa vào đâu...".
Ngồi bệt xuống nhà sàn, vừa xoa tay vào từng đứa con giờ đây đã lạnh ngắt, bà Quyền vừa nhắc lại lời hứa hẹn "Ra Tết các con lên đường còn hứa ngày trở về sẽ mang tiền để chăm sóc vợ con, không ngờ lại ra thế này".
Vợ chồng bà Quyền có 8 người con (5 trai, 3 gái), cuộc sống ở nơi "biệt lập" với thế giới bên ngoài rất khó khăn. Hầu hết các con bà đều thất học từ cấp 1 rồi theo bố mẹ đi nương rẫy. Đến tuổi lớn, các con theo bạn bè đi làm ăn xa.
Là con đầu, Cụt Hải Sơn 15 năm trước đã lập gia đình với chị Cụt Mẹ Hải và có tới 6 người con (4 gái; 2 trai). Không kém anh trai, Cụt Phó Pheng đã có có vợ và tới 4 người con (2 trai; 2 gái).
"Dù đã có gia đình và nhà riêng, nhưng nay thi thể cả ba đứa đều được tập trung để làm ma tại nhà bố mẹ", người mẹ già òa khóc rồi nói thêm đứa con trai thứ 7 đang đi làm vàng, nhưng ông bà không biết đang ở đâu. Giờ đây mong mỏi nhất của bà là anh này sớm trở về tìm công việc khác...
Địu con trai út gần 3 tuổi đứng bên thi thể chồng, chị Cụt Mẹ Hải (33 tuổi, vợ nạn nhân Cụt Hải Sơn) chốc chốc lại lẩm bẩm gọi tên chồng. Thi thoảng chị lại tạt về nhà riêng cách đó vài bước chân để căn dặn 4 đứa con đang nô đùa. Mặc dù đã 14 tuổi, nhưng con gái lớn của nạn nhân Sơn chưa hiểu hết nỗi đau vừa giáng xuống gia đình. Thi thoảng, cô bé vẫn nở nụ cười với những người xung quanh khiến nhiều người xót xa.
"Chồng đi làm thi thoảng có đồng tiền gửi về. Nhưng nay anh ấy chết rồi, lấy tiền đâu mua gạo để nuôi các con đây...", người phụ nữ 33 tuổi, nước da đen sạm lập bập từng tiếng. Trong 6 người con chị Hải, đứa thứ hai cũng đã xa quê đi làm ăn, nhưng không biết tin cha chết để về báo hiếu.
Ngồi kế bên, chị Cụt Mẹ Pheng (vợ nạn nhân Cụt Phó Pheng) chỉ độc thoại được tiếng Khơ Mú với người bản địa do không biết chữ và không nói được tiếng Kinh. Qua lời dịch của cán bộ xã, chị Pheng nói rằng giờ đây cuộc sống của 5 mẹ con rồi sẽ bơ vơ khi mất chồng, mất cha. "Mấy cháu rồi cũng bỏ học hết cả thôi. Ai nuôi nổi mà đi học...", chi Pheng thều thào ẵm đứa con nhỏ vào lòng nói.
Chồng chị mới xa vợ và các con vào Quảng Nam mưu sinh từ sau Tết âm lịch. "Hôm anh đi còn dặn các con ở nhà chơi ngoan, hứa với vợ lúc về sẽ mang tiền về mua gạo và sữa...", người phụ nữ nước mắt lưng tròng bỏ ngỏ câu nói rồi chạy đến bên thi thể chồng.
Trưởng Công an xã Bảo Thắng Ốc Phò Thắng cho biết, cả ba anh em nạn nhân đều nghiện ma túy, nằm trong danh sách theo dõi của xã. Gần đây xã đã có kế hoạch đưa cả 3 anh em đi cai nghiện nhưng chưa kịp thực hiện.
Theo ông Thắng, toàn xã Bảo Thắng có 414 hộ với 2.067 nhân khẩu, gần 100% là dân tộc Khơ Mú. Trình độ dân trí và thu nhập của người dân rất thấp. Riêng tại bản Sao Va (nơi có 3 anh em nạn nhân tử nạn), theo thống kê có đến 36 người trong độ tuổi lao động được cho là vắng mặt tại địa phương để đi làm phu vàng ở Quảng Nam và một số nơi khác.
"Những người đi làm vàng chui đều không thông qua địa phương để làm tạm vắng. Có khi vài ba tháng, cũng có lúc nửa năm họ mới trở về một lần", Trưởng Công an xã nói.
Trước đó 17h chiều 12/4, nhóm phu khai thác vàng dưới đường hầm xuyên lòng đất thuộc thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) bất ngờ bị ngạt khí. Một người bị thương, 4 người chết trong đó có 3 anh em Sơn, Pheng, Ngò. Do gia cảnh nghèo khó của nạn nhân, huyện Nam Giang đã hỗ trợ chuyến xe 40 triệu đồng đưa 3 thi thể về quê Nghệ An.
Sáng 14/4, huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 6 triệu đồng cùng 2 tạ gạo. "Tang thương, xót xa quá. Chưa khi nào bản nghèo xa cách trung tâm xã chúng tôi lại xảy ra đại tang như vậy...", ông Moong Văn Lợi (Phó chủ tịch UBND Bảo Thắng), người trực tiếp chỉ đạo công tác vận chuyển thi thể nạn nhân trong đêm thảng thốt nói với VnExpress.
Hải Bình