Tuấn Nam, cựu sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đủ điều kiện tốt nghiệp từ tháng 7/2021. Hai tháng sau, thay vì nhận bằng chính thức, Nam phải dùng giấy chứng nhận tạm thời để xin việc và được chấp nhận. Đầu năm nay, bộ phận Nhân sự nhắc Nam bổ sung bằng tốt nghiệp, cậu lại xin khất và vẫn chưa dám hứa đến lúc nào mới hoàn thành đủ giấy tờ.
Khóa sau Nam, Minh Hiếu, sinh viên Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, được xét tốt nghiệp đợt tháng 3 và cũng đang dùng giấy chứng nhận tốt nghiệp do trường cấp để xin việc tại một công ty lương thực - thực phẩm ở Bình Dương.
"Trường giải thích chưa thể cấp bằng tốt nghiệp do chưa có hiệu trưởng để ký", Hiếu nói. Hiếu lo sẽ bị ảnh hưởng đến công việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến vì không biết đến bao giờ trường mới hoàn thiện bộ máy lãnh đạo để cấp bằng.
Hiếu và Nam là hai trong tổng số 3.800 sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chưa được cấp bằng dù đã đủ điều kiện tốt nghiệp, tính từ tháng 4/2021.
Ngày 8/4, PGS TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, trong số này, có hơn 2.500 sinh viên hệ chính quy, hơn 1.200 người hệ vừa làm vừa học. Ngoài ra, 73 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở trường cũng đang trong tình trạng tương tự.
Ông Thịnh cho biết, trường đã cấp giấy chứng nhận tạm thời cho tất cả sinh viên, học viên tốt nghiệp. Với cơ quan, doanh nghiệp đòi hỏi bằng chính thức, trường làm việc trực tiếp hoặc gửi công văn xác minh, đề nghị hỗ trợ.
Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người có quyền ký trên văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải là hiệu trưởng. Trong khi đó, từ tháng 4 năm ngoái, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM khuyết chức vụ này và nhiều vị trí chủ chốt khác như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo.
Lùm xùm tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bắt đầu từ tháng 3/2021 khi trường tổ chức bầu hiệu trưởng. Quy trình này bị Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó xác định có nhiều sai sót, khiến Chủ tịch Hội đồng trường - PGS.TS Ngô Văn Thuyên - bị xem xét trách nhiệm; còn chức hiệu trưởng của ông Nguyễn Trường Thịnh không được công nhận.
"Chúng tôi đang thực hiện các bước để kiện toàn bộ máy, trong đó có chức vụ hiệu trưởng theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Thịnh cho biết, nhưng chưa đưa ra mốc thời gian hoàn thành việc này.
Tình trạng sinh viên chậm được cấp bằng tốt nghiệp do trường khuyết hiệu trưởng để ký bằng từng diễn ra tại Đại học Tôn Đức Thắng hồi cuối năm 2020. Khi đó, hơn 2.000 sinh viên, học viên cao học phải chờ bằng vì Hiệu trưởng của trường bị đình chỉ công tác rồi cách chức.