Hơn 1.900 địa điểm trên khắp thế giới có người chết vì thời tiết nắng nóng kể từ năm 1980, theo kết quả nghiên cứu của Camilo Mora, giáo sư tại Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ, đăng trên tạp chí Nature Climate Change hôm 19/6.
Đợt nắng nóng năm 2010 cướp đi sinh mạng của 10.800 người ở Moscow, Nga, năm 2003 cũng có khoảng 4.900 người chết ở Paris, Pháp cũng do thời tiết quá nóng, theo Independent.
Nhóm nghiên cứu ước tính 1/3 dân số thế giới hứng chịu từ 20 ngày nắng nóng chết người trở lên vào năm 2000. Đến cuối thế kỷ 21, con số này sẽ tăng lên đến 74% nếu lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục duy trì ở mức cao. Ngay cả khi mục tiêu giảm khí thải nhà kính được thực hiện tốt, chúng ta vẫn phải chứng kiến hơn 47% dân số bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng chết người năm 2100.
Khí hậu trên Trái Đất thay đổi nhanh đến nỗi con người không thể tiến hóa kịp để chịu đựng nhiệt độ cao. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang không ngừng tăng lên, hoạt động của con người làm biến đổi khí hậu nhiều gấp 170 lần so với các nguyên nhân tự nhiên khác.
"Chúng ta đang thiếu lựa chọn cho tương lai. Đối với những đợt nắng nóng, lựa chọn của chúng ta hiện nay đang nằm giữa mức xấu và tồi tệ. Các mô hình cho thấy điều này sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng tồi tệ hơn nếu lượng khí thải không giảm mạnh", giáo sư Mora nói.
Nhiệt độ trung bình của cơ thể người khoảng 37 độ C. Khi nắng nóng, cơ thể tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao, mồ hôi không thể bay hơi vì không khí bão hòa hơi nước, khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên đến mức đe dọa tính mạng.
"Hậu quả của việc tiếp xúc với các điều kiện khí hậu gây chết người sẽ ngày càng trầm trọng hơn do dân số già đi. Người già là đối tượng rất dễ bị tổn thương do nắng nóng", Mora viết.
Lê Hùng