Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hơn 18.650 tỷ đồng trong tổng kinh phí dành chi cho lương hưu, trợ cấp theo mức hưởng mới của tháng 8 và gần 2.180 tỷ đồng truy trả phần chênh lệch tăng thêm của tháng 7.
Trong sáng nay, hệ thống đã hoàn thành chuyển khoản cho 1,24 triệu người nhận lương hưu qua thẻ ngân hàng. 2,1 triệu người còn lại được chi trả trực tiếp từ nay đến cuối tháng, tùy lịch của địa phương.
Kỳ chi trả lùi vào giữa tháng thay vì đầu tháng do Nghị định 42 và thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp có hiệu lực vào hôm nay. Từ tháng 9, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả lương hưu, trợ cấp vào đầu tháng như thường lệ.
Trước đó tháng 11/2022, Quốc hội ra Nghị quyết 69 đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu mỗi tháng từ 1/7/2023. Trên cơ sở đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng 12,5-20,8%, tùy từng nhóm.
Ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 42 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp. Quy định thực hiện từ 1/7 song văn bản 45 ngày sau mới có hiệu lực. Vì thế, kỳ lương đầu tháng 7, người về hưu chưa được lĩnh phần tăng thêm.
Lãnh đạo Chính phủ sau đó yêu cầu liên ngành lao động, bảo hiểm xã hội khẩn trương ban hành hướng dẫn để kịp chi tiền tăng thêm chênh lệch của kỳ lương hưu tháng 7 ngay trong tháng 8.
Thống kê đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.
Hồng Chiêu