Theo nghị định ngày 30/6, mức tăng 15% so với mức hưởng tháng 6 áp dụng với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995 sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3,5 triệu đồng thì được tăng thêm. Cụ thể, người hưởng dưới 3,2 triệu đồng được tăng thêm 300.000 đồng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu được tăng lên 3,5 triệu đồng.
Các nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động; quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp theo quyết định của Hội đồng Chính phủ năm 1979.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định năm 1975 của Hội đồng Chính phủ; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ; công an tham gia kháng chiến chống Mỹ dưới 20 năm công tác đã thôi việc, xuất ngũ; quân nhân, công an, người làm cơ yếu tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau tháng 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thuộc diện được tăng lương hưu, trợ cấp.
Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước năm 1995 cũng thuộc diện được tăng đợt này.
Ngoài lương hưu, người thụ hưởng còn được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt thời gian này với mức chi trả 95%. Kinh phí để tăng lương hưu, trợ cấp từ ngân sách và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.
Hồng Chiêu