Ngày 26/12, ông Phạm Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ 1/1/2018, cách tính lương hưu cho lao động nữ sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Theo đó, lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm sẽ hưởng lương hưu bằng 45% mức lương, sau đó mỗi năm tính thêm 2%, tối đa được hưởng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ 75% trong năm 2018, lao động nữ phải có ít nhất 30 năm đóng bảo hiểm, trong khi qui định lâu nay chỉ là 25 năm.
"Chúng tôi đã đề xuất Bộ Lao động, thương binh và xã hội về vấn đề trên. Tuy nhiên đây là qui định của Luật nên chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền sửa đổi. Hiện chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo nào của các cấp có thẩm quyền nên cách tính lương hưu trên vẫn được thực hiện bình thường”, ông Thọ nói.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm, số lao động nữ bị tác động bởi chính sách trên không nhiều, chỉ khoảng 3.000 người trong tổng số 21.000 người sẽ nghỉ hưu vào thời điểm 1/1/2018.
“Nói như vậy không có nghĩa là để 3.000 người này phải chịu thiệt thòi. Chúng tôi đã báo cáo và sẽ có giải pháp mang tính kỹ thuật như đề xuất tăng lương cho nhóm này, để đảm bảo họ không giảm quyền lợi so với những người cùng tham gia trong thời gian trước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội dừng cách tính lương hưu cho lao động như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (áp dụng từ năm 2018) và đề nghị áp dụng cách tính hiện hành.
Lương đóng bảo hiểm chiếm khoảng 60% tổng thu nhập
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, cũng từ 1/1/2018, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung cố định ghi theo hợp đồng lao động; ước tính số tiền đóng bảo hiểm khoảng 60% tổng thu nhập của người lao động.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội cho thấy, hiện mức đóng bảo hiểm của khối hành chính sự nghiệp khoảng 4,3 triệu đồng, khối doanh nghiệp khoảng 4,8 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân khối doanh nghiệp khoảng 10 triệu đồng.
Về việc liệu mức đóng bảo hiểm có tăng theo quy định mới hay không, ông Thắng nói, kết cấu tiền lương do doanh nghiệp quyết định, các khoản phụ cấp cố định có thể được doanh nghiệp đưa thành hỗ trợ "tháng có, tháng không" để không phải đóng bảo hiểm. "Như vậy không có cơ sở để cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng", ông Thắng nói.
Đóng bảo hiểm cho lao động hợp đồng ngắn hạn
Cũng từ năm 2018, quy định mới của Luật bảo hiểm xã hội yêu cầu chủ lao động đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động có hợp đồng ngắn hạn từ một đến ba tháng.
Theo ông Mai Đức Thắng, nội dung trên là thách thức với ngành bảo hiểm vì nhiều doanh nghiệp không muốn mất chi phí này, hơn nữa số lao động ngắn hạn thường biến động liên tục. Đơn vị bảo hiểm sẽ phải phối hợp với cơ quan quản lý lao động để nắm bắt số lao động ngắn hạn.
"Hiện thủ tục đăng ký bảo hiểm được rút ngắn nhiều, về mặt kỹ thuật có thể thu được toàn bộ số lao động hợp đồng ngắn hạn. Song để phát hiện được lao động phải đưa vào diện thu nếu doanh nghiệp trốn đóng là vấn đề khó", đại diện Bảo hiểm xã hội nói.