Chiều 10/9, sau bốn ngày xét xử, TAND Hà Nội cho 29 bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghỉ nghị án kéo dài. HĐXX sẽ tuyên án vào 15h thứ hai (14/9).
8 trong 10 bị cáo nữ đã nói lời sau cùng với nội dung giống nhau. Họ gửi lời xin lỗi đến gia đình ba cảnh sát hy sinh tại xã Đồng Tâm, nhận đã có lỗi nên xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng để sớm trở về với gia đình. Các bị cáo cùng gửi lời cảm ơn giám thị trại tạm giam đã giúp nhận ra lỗi lầm. Tất cả đề nghị luật sư không tiếp tục bào chữa cho họ.
Hai bị cáo còn lại là Bùi Thị Nối, 62 tuổi và Nguyễn Thị Bét, 59 tuổi, không thừa nhận hết hành vi phạm tội như cáo buộc và mong được hưởng án treo.
Bị cáo Lê Đình Công, 56 tuổi, khi nói lời sau cùng vẫn khẳng định không chỉ đạo hay giao nhiệm vụ cho các đồng phạm chống đối lực lượng chức năng. Bị cáo chỉ thừa nhận chỉ đạo bị cáo Nguyễn Quốc Tiến, 40 tuổi, mua lựu đạn và dạy những người khác làm bom xăng.
Nhận có sai lầm, Công nói đã ăn năn hối lỗi, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Cuối cùng bị cáo mong được HĐXX chuyển tội danh từ Giết người thành Chống người thi hành công vụ, như 19 người khác.
Là anh em cùng bố khác mẹ với Công, bị cáo Lê Đình Chức, 40 tuổi, trong lời nói sau cùng cũng bày tỏ rất hối hận, "gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình ba chiến sĩ". Bị cáo mong được HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng để có cơ hội về thắp nén hương cho bố - ông Lê Đình Kình. Trong vụ án, Công và Chức là hai người bị VKS đề nghị mức hình phạt cao nhất cho hành vi giết người - tử hình.
Trong 29 người bị xét xử, bị cáo Bùi Viết Hiểu nhiều tuổi nhất. Bị cáo 77 tuổi mong HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, bởi đã tuổi cao, sức yếu. Bị cáo nói từng có 10 huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng "cuối đời lại vấp phải sai lầm lớn nhất, không thể sửa chữa".
Chắp tay xin lỗi gia đình ba cảnh sát hy sinh, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cho hay rất ân hận khi nhận ra các lỗi lầm. Bị cáo thừa nhận đã sai khi mua hộ bị cáo Công lựu đạn, xăng làm "bom" và đã bắn pháo hoa về phía cảnh sát. Việc này do bị "tổ đồng thuận" lôi kéo kích động. Phủ nhận là chủ mưu, cầm đầu như cáo buộc, bị cáo Tiến mong được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình.
Sáng 9/9, luận tội về hành vi của 29 bị cáo trong vụ án khiến ba cảnh sát hy sinh, ở nhóm tội Giết người, VKS đề nghị TAND Hà Nội tuyên phạt tử hình bị cáo Công và Chức; chung thân với Lê Đình Doanh, 32 tuổi. Bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến, cùng bị đề nghị 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 14-16 năm tù.
Trong 23 người còn lại bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, VKS đề nghị hình phạt thấp nhất là 15-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 6-7 năm tù.
Theo cáo trạng, khu đất ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm được kết luận là đất quốc phòng. Tuy nhiên từ năm 2013, ông Kình cùng bị cáo Hiểu, Công, Tuyển và nhiều người đã lập "tổ đồng thuận" với mục đích kích động người dân, chiếm lại đất để chia nhau.
Cuối năm 2019, khi Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên "tổ đồng thuận" mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để "tấn công, tiêu diệt" công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Rạng sáng 9/1, khi công an đến cổng làng thôn Hoành, thành viên "tổ đồng thuận" và nhiều bị cáo đồng loạt ném gạch đá, bom xăng, bùi nhùi lửa vào lực lượng thi hành công vụ. Cảnh sát dùng loa kêu gọi ngừng tấn công song bất thành.
Khi làm nhiệm vụ, ba cảnh sát đã bị chọc rơi xuống hố, đổ xăng thiêu. Các chiến sĩ hy sinh do "ngạt khí và cháy than hóa toàn thân".