Kết hôn không hạnh phúc nhiều năm, Peter đợi cho đến khi các con trưởng thành mới chọn cách chia tay với vợ. Anh hy vọng điều này bớt ảnh hưởng đến các con. Tuy nhiên, 6 năm qua, kể từ khi ly hôn, anh không gặp hai con trai mình.
Peter nói chuyện với con trai út, hiện ngoài 20 tuổi một hoặc hai lần mỗi năm. Còn con trai lớn ngoài 30 thì hoàn toàn cắt đứt liên lạc. Con gái giữa, đã cố gắng hành động như người đi giữa bố mẹ, giữa anh và em trai. "Thật tàn khốc. Tôi vẫn đang bước tiếp cuộc sống của mình, nhưng nghĩ đến các con, tôi rơi nước mắt", người cha chia sẻ.
Mặc dù mọi người có xu hướng không nói nhiều về chuyện riêng tư này, sự bất hòa trong các gia đình dường như phổ biến ở Mỹ. Karl Pillemer, giáo sư xã hội học, tác giả chính nghiên cứu nói, mọi người vẫn chưa cởi mở nên con số thực tế còn cao hơn. Mối quan hệ thường bị cắt đứt nhất là giữa cha mẹ và con cái đã trưởng thành và trong hầu hết các trường hợp, chính các con từ mặt cha, từ mặt mẹ.
Ly hôn là một trong các nguyên nhân làm tăng nguy cơ rạn nứt mối quan hệ. 70% trong số 1.600 bậc cha mẹ bị con từ mặt đã ly hôn, theo nghiên cứu của nhà tâm lý chuyên về bất hòa cha mẹ với con cái, Joshua Coleman. Và trong đó nhiều khả năng đứa trẻ ghét bỏ người cha nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ đã giảm. Tiến sĩ Coleman cho rằng các xu hướng khác đang khiến sự ghẻ lạnh giữa cha mẹ và con cái trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Một số nhà trị liệu khác và các nghiên cứu trước đây cho cho kết quả tương tự.
Bên cạnh đó, còn các nguyên nhân khác như từng bị cha mẹ lạm dụng tình cảm, thể chất hoặc tình dục khi còn nhỏ. Các bậc cha mẹ cũng có khả năng bị đổ lỗi và ghét bỏ do gây ra việc ly hôn, thiếu tôn trọng hay chạm đến quyền lợi của vợ chồng, con cái của những đứa con.
Nhưng trong trường hợp khác, sự ghẻ lạnh được sinh ra từ tình yêu. Một trong mặt trái của việc nuôi con với tình yêu, sự bao bọc là khiến con bị phụ thuộc quá nhiều, dẫn đến chúng "chới với" khi ra cuộc đời. Đôi khi chúng cần phải rời khỏi cha mẹ để tìm lại chính mình. Đồng thời đôi khi con cái cảm thấy có trách nhiệm quá lớn đối với cha mẹ già nên đã rời xa...
Dù là từ các nguyên nhân nào, Coleman phân tích sâu xa chính sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân đã dẫn tới hiện tượng này. Mọi người ngày càng có xu hướng cắt đứt với người thân nếu họ ngăn cản mình theo đuổi hạnh phúc riêng. "Lối sống vì bản thân ngày càng thay thế nghĩa vụ hiếu thảo", giáo sư Coleman nói.
Chủ nghĩa cá nhân lộ rõ hơn ở các quốc gia giàu có, như Mỹ, nơi cũng có tỷ lệ ly hôn cao hơn. Điều này cho thấy cha mẹ với con cái Mỹ xa cách nhiều hơn ở quốc gia khác. Ở các quốc gia châu Âu, tình trạng này không phổ biến như Mỹ. Có thể một phần do địa lý. Mặc dù ngày nay người Mỹ di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác ít hơn trước đây nhưng Mỹ vẫn là quốc gia di động về mặt địa lý cao nhất.
Ông bố ba con Peter nghĩ rằng nếu anh và con trai út, người sống cách xa hàng trăm km, nếu vẫn chung một thành phố thì quan hệ sẽ tốt hơn. Nếu vậy, con trai lớn của anh có thể hòa giải với bố. "Nếu hai trong ba người con nói chuyện với tôi, tôi tự hỏi liệu con cả có nghĩ lại không", anh chia sẻ.
Những người quyết định cắt đứt liên lạc với cha mẹ đang tìm thấy sự hỗ trợ qua các sách vở, thường có tiêu đề tiêu cực, cũng như các hội nhóm trên mạng. Ở đó có những người đi trước, khiến người đi sau dễ dàng bỏ qua cảm giác tội lỗi.
Giáo sư Pillemer cho biết thêm, con cái từ mặt cha mẹ gây ra những tác động tiêu cực, ngoài sự đau lòng. Nghiên cứu chỉ ra nó có khả năng lây lan trong gia đình và làm trầm trọng thêm tình trạng cô đơn tuổi già.
Ý tưởng cho nghiên cứu này được khơi nguồn từ một cuộc khảo sát 1-1 mà ông đã thực hiện đối với những người cao tuổi. "Tôi phát hiện ra hàng chục người đã bị con cái cắt đứt quan hệ. Thông thường họ không muốn thừa nhận điều đó", ông nói.
Bảo Nhiên (Theo Economist)