8h ngày 31/8, 10 thuyền viên tàu Thái Thụy 88 được Vùng 3 Hải quân bàn giao cho cơ quan chức năng tại Đà Nẵng trong tình trạng sức khoẻ ổn định. "Mình như được sinh ra lần thứ hai, cảm giác đang còn lâng lâng", ông Nguyễn Ngọc Mười (55 tuổi, trú Thái Thụy, Thái Bình) thuyền viên lớn tuổi nhất nói.
Tàu Thái Thụy 88 (xã Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chở gần 3.200 tấn than từ Quảng Ninh vào Cần Thơ. Nghe tin bão, con tàu tăng tốc với hy vọng sẽ vượt qua nhưng do sóng to, gió lớn nên tàu bị hỏng máy tại vị trí giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khoảng 13h ngày 29/8.
Khi tàu bị nghiêng 25 độ và bắt đầu chìm, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ (41 tuổi, trú Thái Thụy) lệnh cho 9 thuyền viên bỏ tàu nhưng quên mang theo phương tiện liên lạc. Họ thả hai chiếc phao dù xuống biển. Sức chứa mỗi phao được 12 người nhưng tất cả ngồi dồn xuống một phao. Pháo sáng và pháo khói được bắn lên với hy vọng có tàu đi ngang qua nhìn thấy.
Nhưng trời mưa như trút. Những đợt pháo bắn lên đều vô vọng. Trên chiếc phao màu cam rộng 5m2 có sẵn lương khô, nước ngọt, áo giữ nhiệt cùng chiếc dù che tạm. "Anh em đói thì ăn, khát thì uống chứ không ai quan tâm đến việc có thể dự trữ đến khi nào", thuyền trưởng Vũ nói.
Với bản lĩnh của người thuyền trường có 20 năm đi biển, ông Vũ động viên các đồng nghiệp giữ bình tĩnh. Mọi người thay phiên nhau tát nước mỗi khi sóng cao 4-5 mét tạt vào chiếc phao nhỏ. Tàu Thái Thụy chìm và mất dấu trên biển. Trời thì tối dần.
Thuyền viên Nguyễn Tùng Lẫm (41 tuổi) mắt đỏ hoe khi nhớ lại đêm bão quét qua. "Sau nhiều đợt pháo sáng và pháo dù nhưng không được tàu container đi ngang ứng cứu, dù có lúc chỉ cách chừng 2 hải lý. Anh em bảo nhau ngồi thành vòng tròn để gió lớn không lật mất phao. Nếu chia ra ngồi trên hai phao thì chắc chắc những đợt sóng lớn đã đánh ụp rồi", ông nói.
Lúc nửa đêm, một con sóng cao chừng 10 mét ập đến, bốc chiếc phao lên cao rồi quăng xuống "vực" nước sâu thăm thẳm. "Đó là thời khắc kinh khủng nhất", ông Lẫm kể. Một khối nước khổng lồ ập xuống phao nhưng may mắn còn có chiếc dù che phía trên nên nước tràn vào không quá nhiều. Các thuyền viên bảo nhau nhanh tay tát nước, chỉnh lại dù che.
Giữa đêm sóng gió, mọi người dặn nhau phải bình tĩnh và lạc quan, nhưng ông Lâm biết ai cũng nhớ đến gia đình, bố mẹ, vợ con. Có người kiệt sức nằm thiếp đi. Họ không biết rằng, bốn tàu của lực lượng kiểm ngư (Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân) và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng đang vượt sóng tìm kiếm họ.
Sáng hôm sau trời quang mây tạnh. Các thuyền viên bảo nhau cùng bơi phao vào gần bờ với hy vọng các tàu nhỏ hơn sẽ ứng cứu. Cứ nhìn thấy tàu từ xa là những quả pháo sáng, pháo khói được bắn lên. Họ đã thấy núi Sơn Trà của Đà Nẵng, nhưng vẫn không có tàu phát hiện ra.
Ông Lẫm nhớ đã cùng đồng nghiệp bơi khoảng 3 đến 4 hải lý, nhìn thấy núi Sơn Trà ở Đà Nẵng nhưng sức mọi người đã kiệt. 10 người co chân trong chiếc phao chật. Có người vừa nôn vừa tát nước. Họ bắt đầu cảm thấy đói và rét.
"Anh em ai cũng nản. Chiều hôm qua nếu không gặp được tàu Đức Nam 01 thì không biết số phận anh em chúng tôi sẽ thế nào", ông nói thêm.
Tàu Đức Nam 01 đang chở tôn cuộn về Hải Phòng, đi ngang qua vùng biển miền Trung và đã được thông báo đề nghị tìm kiếm các tàu mất liên lạc trong bão Podul. Họ vớt được chiếc phao do thuyền viên tàu Thái Thuỵ 88 thả xuống biển, nhưng không có người.
Nhìn thấy tàu Đức Nam 01, nhóm thuyền viên bảo nhau dồn sức bơi về phía mũi tàu. Quả pháo khói cuối cùng được bắn lên trên biển đã trở thành tín hiệu duy nhất để thuỷ thủ trên tàu chở tôn phát hiện, hạ xuồng xuống cứu vớt. "Ai cũng mừng nhưng không còn sức nữa. Thuyền trưởng Vũ khi leo lên thang còn rơi ngược xuống phao", thuyền viên Ngô Hữu Đông (38 tuổi, trú Sầm Sơn, Thanh Hoá) kể.
Đến khoảng 18h, tàu kiểm ngư KN-365 đã có mặt chuyển toàn bộ thuyền viên gặp nạn sang tàu để khám sức khoẻ, cấp phát thuốc, áo ấm, thức ăn. Về đến bờ trong đêm, anh em thuyền viên mượn điện thoại gọi về nhà báo tin. "Vợ tôi mới sinh con được vài tháng. Nghe thấy tiếng chồng, vợ khóc nức nở vì mừng. Tôi cũng oà khóc theo", thuyền viên Lẫm chia sẻ. Còn thuyền viên Đông thì bảo: "26 tiếng lênh đênh trên biển là kỷ niệm nhớ đời mà không ai muốn nó lập lại lần thứ hai trong đời".
Đón các thuyền viên của mình, ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền nói, đây là may mắn hiếm có, nếu không đã trở thành đại tang. "Các thuyền viên về bờ an toàn, nhưng tôi cũng muốn nhắc nhở anh em đi biển khi gặp nạn có bỏ tàu cũng nhớ mang theo thiết bị liên lạc để sớm được ứng cứu", ông nói.
Ông Đạt cho biết tàu Thái Thụy mới hạ thuỷ, thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng, chưa kể đến số than đang vận chuyển. Phía công ty đã làm việc với bảo hiểm với hy vọng sẽ giảm bớt được số tiền do thiên tai. Việc công ty có thể làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho các thuyền viên về đoàn tụ với gia đình.
Đại tá Võ Văn Tuyến - Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, cho biết nhiệm vụ của hải quân và kiểm ngư ngoài bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hoạt động khai thác dầu khí còn luôn túc trực ứng cứu ngư dân, thuyền viên gặp nạn trên biển. Trong đợt bão Podul, Vùng 3 Hải quân đã trực tiếp cứu 17 ngư dân.
"Chúng tôi luôn đi trước và về sau bão", đại tá Tuyến nói.