Thông tin được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Cẩn đưa ra tại tọa đàm trực tuyến về chống hàng giả trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 9/4.
Theo tờ khai hải quan, riêng năm 2014 có tới 26.000 tấn thị trâu từ Ấn Độ và một số nước khác được thông quan vào Việt Nam. "Nhưng người tiêu dùng có thấy lượng thịt trâu này hiện có được bán hay không, hay đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nghi vấn.
Theo lãnh đạo hải quan, việc phân biệt thịt trâu hay thịt bò rất quan trọng, bởi liên quan đến giấy phép kinh doanh và thành phần chất lượng sản phẩm. Hiện nay giá thịt trâu thậm chí rẻ bằng một nửa so với thịt bò, nên không loại trừ khả năng cá nhân, tổ chức dùng để làm giả, nhằm kiếm lời.
“Trâu tỏi, bò gừng là cách chế biến khác nhau, cho thấy không thể đánh đồng 2 loại thịt này làm một. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt làm rõ”, ông Cẩn nói.
Hồi cuối năm 2014, Cơ quan Thú y vùng VI (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết lượng thịt trâu nhập khẩu qua kiểm tra của đơn vị này (chiếm phần lớn lượng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu của Việt Nam) đạt khoảng 24.000 tấn, tăng khoảng 2.000 tấn so với năm 2013. Tất cả các lô hàng đều có xuất xứ từ Ấn Độ, nhập về Việt Nam thông qua 20 doanh nghiệp.
Theo cơ quan này trước khi nhập khẩu, cơ quan thú y Việt Nam đã sang Ấn Độ kiểm tra tình hình nuôi, giết mổ và chế biến đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm với cho nhập về nước. Ngoài sản phẩm thịt trâu đông lạnh, hiện còn một lượng trâu bò sống nhập khẩu qua đường biên giới Lào và Campuchia về Việt Nam.
Đáng chú ý dù khối lượng thịt trâu nhập khẩu về tương đối lớn nhưng thời gian qua người tiêu dùng trong nước hầu như không thấy thịt trâu được bán ngoài thị trường. Ngay tại các siêu thị hay cửa hàng bán lẻ chủ yếu vẫn là thịt bò nội địa hoặc nhập khẩu.
Thành Tâm