![]() |
Ông Benjamin Franklin |
Thí nghiệm táo bạo đã làm khuấy lên làn sóng phê bình của giới tăng lữ, những người cho rằng Franklin đang thách thức Chúa trời, đồng thời lại mang đến những lời ca tụng trên khắp châu Âu và châu Mỹ, coi đó như là một trong những ý tưởng vĩ đại nhất trong thời đại của ông. Nó còn là đề tài cho cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ giữa một số nhà sử học, những người cho rằng không phải Franklin, mà chính là một nhà khoa học ở Marly, Pháp, mới là người chế ngự được bí ẩn của thiên lôi.
“Ngay cả nếu ông ấy đã làm điều đó, thì chúng ta cũng không biết chính xác là vào khi nào và ở đâu. Đó chính là một điểm tạo nên sự nghi ngờ về thí nghiệm của Franklin”, Richard Rosen, một sử gia của Đại học khoa học và Nghệ thuật, thuộc Đại học tổng hợp Drexel (Philadelphia) nhận xét.
Các sử gia khác lại cho rằng có những bằng chứng để thấy Franklin đã thực hiện thí nghiệm nổi tiếng này. Bất chấp thực tế không có một báo cáo nào được lưu lại, cũng như không có các nhân chứng nào ngoài con trai của ông và những lời tường thuật chi tiết do cộng sự của Franklin là Joseph Priestley kể lại, khoảng 15 năm sau đó.
Theo câu chuyện của Priestley, vào một ngày tháng 6 năm 1752, nhà phát minh 46 tuổi và cậu con trai 21 tuổi William đã thực hiện thí nghiệm để chứng minh giả thuyết của Franklin về tính chất tự nhiên của sét. Hai cha con ra cánh đồng và chờ đợi một cơn bão lớn. Một đám mây dông trôi qua - không phải là một tia sét - đã tích điện âm cho chiếc diều, sợi dây và cái chìa khóa. Franklin không bị giật vì ông cầm một mảnh lụa khô cách ly khỏi dòng điện. Nhưng khi chạm vào chiếc chìa khóa, một tia sáng loé lên trên tay ông. Phát hiện này đã mở đường cho những cuộc cách tân về sau trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất ắc quy tới thuốc nổ.
David Rhees, giám đốc điều hành Nhà bảo tàng và thư viện Bakken ở Minneapolis cho biết, Franklin không phải là người đầu tiên nhận ra sự tương đồng giữa hiện tượng tĩnh điện và các tia sét, nhưng ông là người đầu tiên đề xuất một cuộc kiểm tra để xác minh hiện tượng đó là có thực. Rhees nói thêm "ngay cả khi nhiều nhà sử học đã đúng khi cho rằng một nhà khoa học ở Marly, Pháp có thể đã thực hiện “thí nghiệm Philadelphia” trước khi chính Franklin thử nghiệm nó, thì vẫn có vô số lý do để tổ chức kỷ niệm thành tựu của ông".
B.H. (theo AP)