Hội thảo "Hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới" thuộc khuôn khổ chương trình "Truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng" vừa diễn ra ở Hà Nội, do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bayer tổ chức.
Với thông điệp "Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức", chương trình giúp phụ nữ tiếp cận tốt hơn kiến thức tránh thai, chủ động lựa chọn lối sống riêng, hướng đến hạnh phúc trong đời thường và thành công ngoài xã hội.
Trong năm 2019 có khoảng 18 hội thảo, 300 cán bộ phụ nữ, 1.500 cán bộ dân số cả nước được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản. Cùng với đó, 17 hội thảo diễn ra tại trường đại học với số lượng 5.100 sinh viên tham gia. Dự kiến, kết thúc năm nay, có hơn 25 triệu chị em phụ nữ trên khắp cả nước được cán bộ dân số tư vấn trực tiếp bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.
Ban tổ chức kỳ vọng thông qua việc tạo điều kiện để mọi người tiếp cận với nguồn thông tin khoa học, chính xác về các biện pháp tránh thai giúp từng người đủ năng lực để đưa ra quyết định quan trọng, chủ động hoạch định tương lai và phát triển sự nghiệp. Sắp tới, chương trình sẽ ra mắt App Mobile "Sống chủ động", tổng hợp kiến thức về sức khỏe sinh sản, là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Lãnh đạo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình cho biết sẽ đáp ứng đầy đủ, đa dạng các phương tiện tránh thai, giá cả phù hợp, dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa các vùng địa lý nhằm mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm khoảng 80 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong đó 20 triệu ca có ý định phá thai. Khoảng 222 triệu phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai nào dù không dự định có con. Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai khoảng 76%. So với khu vực ASEAN, tỷ lệ này chỉ thấp hơn Thái Lan.
Bác sĩ Lynette Moey, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam cho biết, Bayer có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nỗ lực đảm bảo mọi phụ nữ tiếp cận biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu.
"Tại Việt Nam, Bayer vinh dự trở thành đối tác lâu dài của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình trong chương trình 'Truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng', giúp mọi người hiểu hơn việc sử dụng biện pháp tránh thai như là một phần của kế hoạch hóa gia đình, có quyết định đúng đắn về việc sử dụng biện pháp tránh thai, để có cuộc sống chủ động và tốt đẹp hơn", bà nói.
Theo bà, trên thế giới, phụ nữ thường đối mặt với định kiến, sự kỳ thị của xã hội liên quan đến lựa chọn và chủ động trong đời sống tình dục cá nhân. Đây là một trong những thách thức lớn nhất dẫn đến tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai cao ở giới trẻ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
"Chúng tôi cam kết lâu dài để góp phần giúp người dân Việt Nam hưởng dịch vụ chăm sóc y tế ngày một tốt hơn. Chúng tôi đã và đang nỗ lực không ngừng để nâng cao sức khỏe phụ nữ và chất lượng kế hoạch hóa gia đình, với nền tảng vững chắc 25 năm Bayer hiện diện và gắn kết với Việt Nam", bác sĩ Lynette Moey chia sẻ thêm.
Ngày Tránh thai Thế giới phát động vào năm 2007 với tầm nhìn hướng đến một thế giới nơi mọi đứa trẻ sinh ra đúng theo có kế hoạch và phụ nữ được trang bị các công cụ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, mang thai, sinh con.
Tại Việt Nam, chương trình gồm các hoạt động nổi bật như: đào tạo nâng cao vốn hiểu biết về các biện pháp và dịch vụ tránh thai hiện đại, xây dựng ứng dụng điện tử để tạo diễn đàn kết nối và cung cấp thông tin cho cộng đồng cán bộ dân số và phụ nữ, xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền tiêu chuẩn để cung cấp thông tin chuyên môn chính xác và cập nhật nhất cho các cán bộ dân số tại địa phương (tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, mô hình trực quan khi thực hiện tuyên truyền cho người dân...), tổ chức các ngày hội tư vấn và kiểm tra sức khỏe phụ nữ...
Năm 2017 chương trình "Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động" tổ chức 12 hội thảo chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành cho hơn 1.200 chị em là cán bộ nồng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia. Song song đó, kênh truyền thông trực tuyến cũng là một phương tiện giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin xác tín cũng được cập nhật và tạo ra phong trào thi đua trên cả nước với hơn 428.000 chị em tham gia cuộc thi online "Hiểu về tránh thai".
Năm 2018 có 15 hội thảo, 300 cán bộ phụ nữ, 1.200 các bộ dân số và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5.100 sinh viên cả nước tham gia tập huấn chuyên sâu, tiếp cận thông tin phòng tránh thai, hơn 15 triệu phụ nữ được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.
Bảo Trân